banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Mạn đàm về tác phẩm

TRĂNG LẠNH của ĐIỆP MỸ LINH


Thăng Long, Đài Little Saigon, thực hiện

Kính chào chị Điệp-Mỹ-Linh.
- Dạ, Điệp-Mỹ-Linh xin trân trọng kính chào quý vị thính giả của Đài Little Saigon và xin kính chào anh Thăng Long.

Lâu lắm mới gặp lại chị. Sức khỏe của chị vẫn bình thường chứ?
- Cảm ơn anh, tôi vẫn bình thường, vẫn còn đi làm.

Quý thính giả tại Houston có lẽ đã biết chị Điệp-Mỹ-Linh, một người, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng của chúng ta; chỉ vài năm gần đây chị mới ít xuất hiện. Ngoài những sinh hoạt văn hóa, chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong cộng đồng của chúng ta biết chị Điệp-Mỹ-Linh qua tiếng đàn Accordéon của chị.
Hôm nay, Đài Little Saigon mời chị Điệp-Mỹ-Linh đến đây để trình bày về một tác phẩm mới của chị, mang tựa đề Trăng Lạnh. Tôi được hân hạnh đọc hết tác phẩm này vào ngày hôm qua.
Có nhiều vị thính giả vừa mới định cư tại Houston, chưa được biết về chị; xin chị cho thính giả được biết sơ lược về quá trình hoạt động cũng như vài nét về Điệp-Mỹ-Linh.
- Thưa, tên thật của tôi là Nguyễn Thị Thanh-Điệp. Bút hiệu Điệp-Mỹ-Linh khởi đầu từ bút hiệu Điệp-Linh của Ba tôi, do tên của tôi và Linh, tên người em trai kế, ghép lại. Khi Má tôi sinh một em gái, tên là Mỹ-Phượng cũng là lúc tôi tập tành viết lách. Tôi xin Ba tôi cho tôi “mượn” bút hiệu Điệp-Linh và tôi ghép chữ Mỹ từ tên người em gái vào giữa để trở thành Điệp-Mỹ-Linh. Ba tôi đồng ý.

Chị lớn lên tại Nha Trang, nhưng chị gốc Huế hay là gốc Nha Trang?
- Thưa, tôi được may mắn là Má tôi người Huế, Ba tôi người Nha Trang, tôi được sinh ra tại Đà Lạt; cả ba thành phố đều đẹp cả. Thời gian sống tại Nha Trang, tôi đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình-Minh, Đài phát thanh Nha Trang, từ giữa thập niên 50 cho đến đầu thập niên 60.

Lúc nhỏ chị học ở Đà Lạt hay là ở Nha Trang?
- Thưa anh, lúc nhỏ ở Đà Lạt tôi học trường Domain De Marie. Tại Nha Trang tôi học trường trung học Võ-Tánh. Sau đó tôi học Luật tại đại học Luật Khoa Saigon.

Những kỷ niệm xa xưa của chị ở Đà Lạt hoặc Nha Trang như thế nào, chị có thể cho thính giả biết hay không?
- Kỷ niệm về Đà Lạt và Nha Trang thì nhiều lắm; nhưng thường thường tôi gợi lại những kỷ niệm đó trong tác phẩm của tôi.

Qua những tác phẩm của chị, không những kỷ niệm được chị gợi lại mà chị còn lồng vào câu chuyện những ca khúc rất thích hợp với tâm lý nhân vật, phải không ạ?
- Dạ, thưa anh, đúng như vậy.

Cũng qua tác phẩm này, người đọc còn nhận thấy trình độ sinh ngữ của chị rất khá, nhất là Pháp văn.
- Thưa, ông Cụ của tôi ngày trước là giáo sư Pháp văn các lớp đệ nhị cấp trường Trung-Học Cam-Ranh. Còn Anh văn, ngày xưa, tôi chọn là sinh ngữ chính.

Chị lập gia đình năm nào?
- Thưa, tôi lập gia đình năm 1962, tại Nha Trang.

Vâng, tôi có thời gian ở Nha Trang.
- Anh thấy Nha Trang như thế nào? Đối với tôi, bãi biển Nha Trang đẹp nhất thế giới.

Ô, bãi biển Nha Trang đẹp nhất thế giới! Vâng, trước khi chúng ta đề cập đến tác phẩm Trăng Lạnh, trong đó chị Điệp-Mỹ-Linh đã gợi lại những kỷ niệm rất lý thú, tôi xin đọc qua những tác phẩm khác của Điệp-Mỹ-Linh, được in nơi bìa sau của cuốn Trăng Lạnh. Đó là Một Đoạn Đường, Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975, Cuồng Lưu, Đưa Tiển, Tưởng Như Trở Về, v.v... Xin chị vui lòng cho biết thời điểm nào chị đã sáng tác những tác phẩm này?
- Điệp-Mỹ-Linh thành thật xin lỗi quý thính giả và anh Thăng-Long về một sự nhầm lẫn rất đáng tiếc. Đó là, khi đánh máy những tác phẩm của tôi vào bìa sau của cuốn Trăng Lạnh, tôi đã quên, không liệt kê tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa.
Về thời điểm những tác phẩm của tôi xuất hiện, thật tình tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ, sau khi Cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc gợi ý, tôi suy nghĩ và cảm thấy tôi phải làm một cái gì đó cho quân chủng Hải-Quân. Và, vào cuối thập niên 70, tôi bắt đầu tìm địa chỉ và điện thoại của quý vị trong Đại Gia Đình Hải Quân. Lúc đó chưa có computer cho nên vấn đề liên lạc rất khó khăn để thực hiện những cuộc phỏng vấn. Nhưng, với sự trợ giúp vô vị lợi của Đại Gia Đình Hải Quân, cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975 được hoàn tất vào khoảng 1990.

Tại sao chị cảm thấy chị phải làm một cái gì đó cho Hải Quân, thưa chị?
- Tôi nghĩ Hải-Quân đã có công rất lớn trong cuộc di tản quân nhân, quân dụng và đồng bào từ vùng I vào Saigon, khoảng tháng Ba năm 1975. Và sau đó, cũng chính Hải-Quân đã đưa không biết bao nhiêu ngàn đồng bào và quân nhân các cấp thoát khỏi nanh vuốt Cộng Sản, vào khoảng tháng Tư năm 1975. Tôi nhận thấy những công trạng của Hải-Quân rất đáng được đề cao.

Còn lý do nào khác không? Chẳng hạn như phu quân ngày trước của chị là...
- Vâng, cũng có những lý do phụ, chẳng hạn như Bố của các con tôi là một sĩ quan cao cấp Hải-Quân; và tôi cũng có những người bạn cùng học trường Võ-Tánh đã gia nhập Hải-Quân như Bùi-Tiết-Quý, Nguyễn-Dinh, Võ Thành Đông, v.v... Vì vậy, đối với tôi, Hải-Quân rất là thân thiết.

Thưa, ngày đó, có phải chị là hoa khôi của trường Võ-Tánh hay không?
- Dạ, không dám đâu!

Ngày xưa, Nha Trang là nơi có rất nhiều trung tâm huấn luyện quân sự như Không-Quân, Biệt-Động-Quân, Hải-Quân, v.v...Tại sao chị không chọn người bạn đường từ các binh chủng khác mà chị lại chọn người bạn đời từ Hải-Quân? Phải chăng vì bộ quân phục tiểu lễ trắng của Hải-Quân?
- Dạ, không phải, thưa anh. Tôi theo đạo Phật. Tôi nghĩ rằng bất cứ vấn đề gì hay là sự việc gì xảy ra trong đời đều có một nguyên nhân hay là một xuất xứ nào đó mà mình không thể kiểm soát được. Tôi muốn nói đến Nhân Duyên.

Vâng. Bây giờ chúng ta trở lại với tác phẩm Trăng Lạnh. Mở đầu tập truyện Trăng Lạnh là bút ký viết bằng Việt-ngữ và được dịch ra Anh-ngữ, nói về sự biết ơn của những người tỵ nạn như chúng ta, phải không, thưa chị?
- Vâng.

Xin chị cho thính giả biết khái lược tại sao chị viết bút ký này.
- Thưa, tựa đề bút ký đó là Tạ Ơn Mảnh Đất Này. Thời điểm tôi viết bút ký đó là lúc nước Mỹ bị rúng động vì sự tấn công rất tàn bạo tại Nữu-Ước và Hoa-Thịnh-Đốn, ngày 11 tháng 09 năm 2001; và tôi đang du lịch tại Nga. Bút ký đó được viết vội tại phi trường Frankfurt, nước Đức, trong khi tôi chờ chuyến bay chuyển tiếp để trở về Nữu-Ước.

Xin chị nói qua cảm xúc của chị khi chị viết bút ký Tạ Ơn Mảnh Đất Này.
- Thưa quý thính giả và anh Thăng-Long. Cảm xúc của tôi lúc đó giống như cảm xúc của tôi năm 1968 khi nghe tin Việt-Cộng tấn công và cưỡng chiếm Huế, quê Ngoại của tôi. Tôi đau lòng và khổ tâm lắm. Tôi không biết làm gì trước nỗi đau của Huế. Năm 2001 cũng vậy, tôi đau lòng và khổ tâm lắm nhưng tôikhông biết phải làm gì để xoa dịu bớt nỗi kinh hoàng tột độ tại nước Mỹ! Nước Mỹ đã cứu giúp gia đình tôi trong khi chúng tôi bị chính những người cùng chủng tộc quyết tâm tận diệt chúng tôi. Chúng tôi đã lập lại cuộc đời từ đôi bàn tay trắng. Tôi được Cha Mẹ dạy rằng “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Bây giờ các con tôi thành đạt, tôi có việc làm tốt, gia đình tôi bình yên. Tôi xin biết ơn những người đã cưu mang chúng tôi. Và năm 1975, dường như Tổng Thống Ford là người đã quyết định trợ giúp người Việt tỵ nạn Cộng Sản.

Năm 1975, chúng ta là những người may mắn, vậy chúng ta biết ơn những người cứu giúp chúng ta. Nhưng, từ cương vị một nhà văn, chị có nghĩ rằng vì “bàn cờ” thế giới, vì Hoa-Kỳ bỏ rơi chúng ta cho nên mấy mươi triệu đồng bào Việt-Nam phải quằn quại đau khổ cho đến hôm nay hay không?

- Có. Nhiều khi tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng, nghĩ lại, tôi cho rằng chúng ta, người miền Nam, cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đó, trong sự sụp đổ miền Nam Việt-Nam năm 1975; vì chúng ta chưa chu toàn bổn phận. “Chuyện nhà” của chúng ta mà chúng ta ỷ lại nhiều quá vào “anh hàng xóm”.

Lý do nào chị lại nghĩ như vậy?
- Trong bài phỏng vấn Trung Tướng Vĩnh-Lộc – Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, đăng trong phần phụ lục của cuốn tài liệu Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975 – Trung Tướng Vĩnh-Lộc cho biết rằng suốt ngày 29 tháng Tư 1975, Ông đã liên tục nhận được không biết bao nhiêu “cú” điện thoại từ các đơn vị, lớn cũng như nhỏ, xin tiếp tế đạn dược để tử thủ. Như vậy nghĩa là gì? Nghĩa là Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa không bao giờ chùn bước, không bao giờ khiếp sợ trước sự tấn công dã man, tàn bạo của Bắc quân. Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa đã chiến đấu một cách can trường, dũng mãnh và chết một cách rất oai hùng! Nhưng Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa cũng như nhân dân miền Nam, chúng ta không có những cấp lãnh đạo tốt, giỏi, và có đạo đức.

Như vậy có nghĩa rằng chị, là vợ một sĩ quan cao cấp, cũng như những nhân vật có nhiều kiến thức mà chị thường tiếp xúc, đều đồng ý rằng chúng ta đã chưa chu toàn bổn phận, chúng ta đã quá ỷ lại vào ngoại ban cho nên chúng ta đành mất Quê Hương một cách đau đớn như vậy, có phải không, thưa chị?
- Vâng. Chúng ta không có cấp lãnh đạo đủ tài đức.

Nhưng những sĩ quan trẻ như phu quân của chị, ngày trước, lúc nào cũng chiến đấu rất hăng say...
- Vâng, như lúc nãy tôi đã thưa, có những anh lính hoặc những sĩ quan, cấp thấp thôi, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng thì cũng có những sĩ quan cao cấp, như Tướng Nguyễn-Khánh và Tướng Nguyễn-Cao-Kỳ, v.v... là những cấp lãnh đạo không có tài, không có đức.

Để trở lại với tác phẩm Trăng Lạnh, trang số 5 chị viết: “...Khi cuộc chiến Trung-Đông bùng nổ, năm 1992, tôi đã đau buồn và lo sợ khi đưa tiễn một độc giả trẻ và thân thiết nhất của tôi, Hải-Quân Đại-Úy Hoàng-Quốc-Tuấn...” Hoàng-Quốc-Tuấn là ai, thưa chị?
- Thưa anh, Hoàng-Quốc-Tuấn là một sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ. Vào đầu thập niên 90, Tuấn đọc tác phẩm Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975 của tôi. Tuấn rất thích thú. Tuấn không ngờ Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa “của mình” can cường như vậy. Và Tuấn liên lạc với tôi. Tôi được Tuấn mời tham dự lễ mãn khóa Thủy-Bộ tại Coronado, San Diego. Sau đó Tuấn tòng sự trên Hàng-Không Mẫu-Hạm USS Independence. Khi Tuấn cho tôi hay chiếc USS Independence sẽ tham dự trận Desert Storm tại Trung Đông, năm 1992, thì tôi rất lo sợ. Tôi đã viết truyện Đưa Tiễn, trong tác phẩm Đưa Tiễn, để nói về Tuấn và những cảm xúc rất thật của tôi đối với Tuấn khi tôi nhận được những lá thư của Tuấn gửi về từ vùng lửa đạn.

Chị có những liên hệ mật thiết với Tuấn từ đó đến nay, vậy hiện tại Tuấn đang tòng sự tại đâu?

- Thưa anh, sau khi mãn hạn kỳ, Tuấn đã giải ngũ và hiện đang làm việc cho Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ.

Tiếp đến là truyện Thăm Mộ. Xin chị cho biết trong trường hợp nào chị viết truyện này?
- Dạ, truyện Thăm Mộ tôi viết cho Ba tôi. Ba tôi đã bị mấy ông Việt-Cộng nhốt tù suốt thời gian dài. Ba tôi bị đày đọa cả tâm hồn lẫn thể xác. Chỉ khi nào trại tù có văn nghệ thì họ mới tạm “xung” Ba tôi vào đội văn nghệ. Khi ông Cụ mất, tôi không về cho nên tôi bị ray rức và ăn năn.

Tại sao chị không về? Biết bao nhiêu người đã về.
- Dạ, tôi biết. Tôi đã về Việt-Nam hai lần vào thời gian bà Nội của các cháu bệnh. Chính hai lần trở về đó đã cho tôi thấy một thực trạng đau lòng trên Quê Hương của chúng ta. Đó là, không những tên đường, tên trường bị thay đổi mà ngay cả ngôn ngữ cũng thay đổi và nhân tính thuần hậu của người Việt-Nam cũng không còn! Họ cư xử với nhau không có một chút tình! Vì vậy, khi Ba tôi mất, tôi rất đau lòng nhưng tôi không muốn về. Tôi không muốn thấy lại cảnh các em và các cháu của tôi lam lũ tại Kinh Tế Mới trong khi cán bộ Cộng Sản thì chễm chệ “ngự” trong biệt thự của Ba Má tôi và bà con của cán bộ Cộng Sản thì khai thác tài sản của Ba Má tôi!

Tôi nghĩ, những người sống nặng về tình cảm, như chị, thì không thể hòa đồng trong xã hội mà mọi người chỉ biết chạy theo miếng cơm, manh áo mà không nghĩ đến tình người, phải không, thưa chị?
- Dạ, đúng vậy.

Kính thưa quý vị thính giả của đài Little Saigon, trong Trăng Lạnh tôi nhận thấy có nhiều chuyện rất hay, rất lý thú, nói lên tâm trạng của người Việt-Nam, của người vợ Lính mà nhà văn Điệp-Mỹ-Linh đã trang trải nỗi lòng cùng những tư duy của chị. Truyện Tạ Lỗi Với Người Thơ, chị Tạ Lỗi với ai đây?
- Dạ...kính thưa quý vị thính giả và kính thưa anh Thăng-Long, tôi thường bị tính thật thà chi phối cho nên tôi không thể nói dối. Thưa anh, truyện Tạ Lỗi Với Người Thơ là một chuyện thật và là một chuyện rất buồn, tưởng chỉ xảy ra trong xi-nê hay trong tiểu thuyết.

Chị có thể nói rõ hơn được không? Vì trong bài này có những vần thơ rất hay.
- Thưa anh, câu chuyện khởi nguồn từ một buổi văn nghệ ủy lạo binh sĩ Thủy-Quân Lục-Chiến tại căn cứ Sóng-Thần, Nha Trang, vào đêm Trung Thu năm 1956, do Ban Ca Nhạc Bình-Minh thực hiện, theo lời mời của Trung-úy Nguyễn-Bá-Liên.
Sau buổi ủy lạo đó, anh Nguyễn-Bá-Liên trao tôi bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung-Thu do một sinh viên sĩ quan Quân-Y, bút hiệu Hoàng-Việt-Sơn, sáng tác để tặng tôi. Nhưng lúc đó tôi chỉ là cô bé 14 tuổi, còn kẹp tóc, chỉ mê đàn và thích hát chứ chưa nghĩ đến tình yêu, cho nên tôi không hồi âm hoặc viết lời cảm ơn ông Hoàng-Việt-Sơn. Ông Hoàng-Việt-Sơn chờ đợi mãi cho đến năm 1999, vô tình Ông đọc được tùy bút Tưởng Như Trở Về của tôi; trong đó tôi trích dẫn vài câu thơ trong bài Tiếng Đàn Đêm Trung Thu của Ông. Sau đó, Ông viết một bài điểm sách về tác phẩm Tưởng Như Trở Về. Ông tìm cách liên lạc với tôi và Ông sáng tác rất nhiều bài thơ để tặng tôi. Ông đã nhờ người bạn thân của Ông – anh Ngọc Hoài Phương, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Hồn Việt – xuất bản tập thơ Nửa Đời Thương Đau để tặng Điệp-Mỹ-Linh. Ông yêu cầu tôi cho Ông gặp mặt. Tôi từ chối, vì tôi nghĩ rằng tất cả đều đã muộn màng! Ông có con đường của Ông, Ông đi. Tôi có con đường của tôi, tôi đi.

Chị có xúc động về những vần thơ của ông Hoàng-Việt-Sơn hay không?
- Dạ, thưa anh, có chứ. Tôi cảm nhận được tất cả.

Khi đọc những câu thơ của Ông, tôi cảm thấy thơ của Ông rất hay. Nếu là một phụ nữ, có thể tôi đã ngã lòng.
- Thưa anh, tôi rất quý tấm lòng của ông Hoàng-Việt-Sơn. Tôi cũng trân quý tập thơ Nửa Đời Thương Đau – và nhất là bài Thanh-Điệp Trường Hận. Nhưng tôi không muốn gặp mặt Ông; bởi vì tôi nghĩ, suốt mấy mươi năm dài Ông đã mang trong lòng một hình ảnh rất đẹp của tôi và Ông đã nghĩ đến tôi bằng tất cả tình cảm tinh khiết, thánh thiện cho nên tôi không muốn Ông thất vọng khi Ông thấy tôi bây giờ...

Vâng. Tôi nghĩ đó cũng là tình cảm chung của nhiều người.
- Trước khi được tin ông Hoàng-Việt-Sơn qua đời, tôi nhận được bài Thanh-Điệp Trường Hận. Khi đọc bài này, tôi không nghĩ ngợi gì được nữa. Tâm hồn tôi hoàn toàn tê dại!

Vâng. Tôi hiểu. Tôi xin được đọc bài Thanh Điệp Trường Hận để thính giả cùng chia xẻ:

Lá gục đầu.
Sông sâu.
Những con thuyền không hướng.
Em mà chi. Thương nhớ mà chi.
Thanh-Ðiệp!
Anh thường có những ngày dài xa cách,
Những đêm buồn da diết nhớ tên em!
Em có nhớ thương?
Vòng hoa trắng mộ
Mộng chưa thắm,
Anh còn cay đắng,
Bởi mối tình tan vỡ một đêm nao!
Mà em hỡi! Giữa biển sầu thiên cổ,
Sao dửng dưng như gỗ đá vô tình?
Sao lạnh lùng và mãi mãi lặng thinh?
Em về đâu cho kịp chuyến tàu đêm?
Ôi chuyến tàu xưa, anh đứng đợi im lìm.
Tìm em mãi ga Nha-Trang heo hút.
Thanh-Ðiệp!
Sông chảy về đâu?
Suối chảy về đâu?
Ðôi bờ giạt ao bèo.
Như tình anh vẫn lạc loài câm lặng,
Giữa cuộc đời trơ trọi một mình anh.
Nước mắt buồn cứ đọng mãi đôi vành.
Nước mắt buồn cứ chảy mãi năm canh.
Mà năm tháng cứ phai dần kỷ niệm.
Thanh-Ðiệp!
Em đi về đâu? Em ở tận đâu?
Ðêm nay em có sầu thương nhớ?
Anh thấy cô đơn lạnh buốt đời!...
Đẹp! Những vần thơ tuyệt đẹp mà tác giả đã “ra đi” vĩnh viễn. Tình cảm của chị dành cho người này chỉ qua những vần thơ thôi; bởi vì “ván đã đóng thuyền”, phải không?
- Tôi nghĩ, theo đạo Phật thì cái gì cũng do Duyên và Nghiệp. Khi mà mình không có cái Duyên thì thôi!

Tình cảm và cuộc sống của chị, sau khi chị thành hôn, có đem đến cho chị những điều chị mong muốn hay không? Cả hạnh phúc lẫn sầu đau?
- Gia đình nào cũng có những rắc rối, những lúc vui, những lúc buồn. Như người Mỹ thường nói, gia đình nào cũng có những ups and downs thì gia đình tôi cũng không thể thoát khỏi những bình thường đó.

Chị thuộc vào thế hệ trước, chị nghĩ chị có bị ràng buộc vào những quan niệm xưa hay không?
- Dạ, có. Tôi bị ràng buộc rất nhiều. Chính những ràng buộc đó làm cho tôi khổ tâm nhiều hơn. Tôi không thể thoát ra được vì tôi đã được giáo dục như vậy rồi – mặc dù sự chống đối âm thầm trong lòng tôi rất mãnh liệt.

Sang đây, sống trong môi trường bình đẳng và tự do cá nhân, chị cũng vẫn còn bị ràng buộc và chị không nghĩ đến sự thay đổi hay sao?
- Thưa anh, chính sự bình đẳng và tự do cá nhân trong xã hội Tây Phương đã giúp tôi hiểu rằng: Cuộc đời của một phụ nữ cũng có một giá trị nào đó; còn ở Việt-Nam – ngày xưa – người đàn bà chỉ biết hy sinh, hy sinh cho chồng, hy sinh cho con, hy sinh cho gia đình chồng... Người đàn bà không là cái gì cả!

Nhưng, với địa vị của chị, ngày trước, là một mệnh phụ phu nhân, một người trí thức, thuộc vào tầng lớp cao của xã hội Việt-Nam, chị cảm thấy như thế nào?
- Tôi bị dằn vặt giữa lý trí và trái tim. Sự dằn vặt này được thể hiện trong tùy bút Chút Tình Để Lại. Trái tim của tôi muốn thoát ra, nhưng lý trí của tôi trói chặt tôi lại.

Dường như hiện tại chị đang ở trong tình trạng độc thân, phải không ạ?
- Dạ. Đúng vậy.

Đúng như vậy thì, ngoài những công việc hằng ngày, chị có những thú tiêu khiển nào?
- Dạ thưa, tôi còn đi làm, mặc dù đã quá tuổi hưu. Về nhà, tôi có con và hai cháu nội sống chung và một nhà lan. Tôi viết và thỉnh thoảng đàn cho một mình mình nghe. Bao nhiêu đó tôi cảm thấy đủ hạnh phúc rồi.

Bây giờ, chúng ta trở lại tác phẩm của chị với truyện Thầy Lân. Xin chị cho biết xuất xứ của truyện này.
- Thưa, truyện Thầy Lân cũng là một chuyện thật. Nhưng Lân không phải là tên của Thầy. Thầy là một nhà văn.

Thầy dạy ở Võ-Tánh, phải không?
- Dạ không, Thầy dạy tại trường Cường-Để Qui-Nhơn, mỗi năm Thầy vào Nha Trang chấm thi. Thầy biết tôi từ năm tôi học đệ lục, đệ ngũ chi đó. Trong tác phẩm Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ, Thầy viết một câu: “...Điệp, con ông Ngữ, ở Nha Trang. Điệp có nụ cười rất đầm và cái cằm chẻ đôi...” Ngữ là tên của Ba tôi.

Mối tình này cũng không đi đến đâu, phải không, thưa chị?
- Dạ vâng. Lúc đó tôi còn nhỏ quá.

Bây giờ Thầy và chị đã liên lạc lại với nhau, đúng không?
- Dạ, đúng. Những khi Thầy điện thoại thăm, Thầy thường đàn piano, hát hoặc chơi Clarinette, Saxophone cho tôi nghe.

Một trong những bản nhạc mà Thầy đàn và hát cho chị nghe, chị còn nhớ tựa hay không?
- Dạ, đó là bản Lady của Kenny Rogers.

Còn bài nào nữa không?
(Giữa lúc Điệp-Mỹ-Linh còn bối rối, chưa nhớ ra thì giọng hát nồng nàn của Elvis Presley văng vẳng với ca khúc Can’t Help Falling in Love).
- Tuyệt! Tuyệt quá! Anh làm tôi xúc động vô cùng!

Kính thưa quý thính giả, đọc hết tác phầm này tôi nhận thấy chị Điệp-Mỹ-Linh đã trích dẫn nhiều bản nhạc rất hay, giá trị nghệ thuật rất cao. Tôi đã cố gắng tìm và trích những phân đoạn đã được đề cập trong tác phẩm để lồng vào buổi nói chuyện hôm nay. Chuyện tình cảm thì nói hoài cũng không chán. Buồn đó, vui đó, hạnh phúc đó, đau khổ đó, nhưng rất là lý thú.
Một câu chuyện khác cũng trong Trăng Lạnh. Tôi nghĩ bây giờ chị có thể nói tất cả những gì chị nghĩ; vì đâu còn gì gò bó chị, đâu còn ai gò bó chị nữa phải không? Vậy thì xin chị Điệp-Mỹ-Linh cho biết về câu chuyện Quà Cho Cha.
- Truyện Quà Cho Cha phỏng theo những câu chuyện tôi thâu nhận từ bạn bè.

Của những người khác chứ không phải phản ảnh phần nào từ cuộc đời của chị?
- Dạ không.

Tôi ngạc nhiên, bởi vì trong truyện Quà Cho Cha, những người bạn của chị sưu tầm những cốt chuyện như thế này và những bản nhạc như Summer Time, những nghệ sĩ như John Contrane, Marc Antone và những nhạc cụ như Saxophone Tenor, Clarinette, v.v... chứng tỏ những người bạn của chị rất giỏi về nhạc.
- Thưa anh, tôi không lấy chuyện của mình để viết ra, ngoại trừ trường hợp Tạ Lỗi với Người Thơ và Thầy Lân vì đó là những trường hợp khá đặc biệt. Tôi thường góp nhặt những chi tiết, những dữ kiện từ bạn hữu rồi tôi xen vào đó những hư cấu và những dòng nhạc mà tôi thích hoặc tôi cảm thấy thích hợp với tâm trạng của nhân vật.

Tại sao chị đưa Quốc và Lan để trình bày trong truyện Quà Cho Cha?
- Thưa anh, tôi nghĩ anh còn nhớ, cách nay không lâu, đàn ông Việt-Nam sống ở ngoại quốc đã ồ ạt về Việt-Nam cưới vợ. Tôi tưởng như đó là một “phong trào”. Ngay như trong Paris By Night, họ phỏng vấn nghệ sĩ Tùng-Giang – lúc đó Tùng-Giang mang bệnh ung thư gan – về hoàn cảnh gia đình của anh. Tùng-Giang rất hãnh diện, trả lời đại ý rằng, tuy mang căn bệnh bất trị, nhưng Tùng-Giang đã về Việt-Nam cưới một cô vợ rất trẻ và hai vợ chồng Tùng-Giang rất hạnh phúc và có được một đứa con.
Nhiều người đàn ông ở hải ngoại đã sang băng Paris By Night này ra làm nhiều cuốn rồi gửi biếu bạn hữu với lời nhắn: Tùng-Giang từng đó tuổi mà còn “làm được như vậy” thì “tụi mình” tính sao? Và các bà vợ gọi đó là “cơn sốt Tùng-Giang”. Cuối cùng cuộc đời của Tùng-Giang như thế nào, hẳn nhiều người đã rõ.
Những ngày cuối đời của Tùng-Giang hầu như ai cũng biết; nhưng những tan vỡ, những đau thương, những thống hận của rất nhiều người đàn ông khác – cũng về Việt-Nam cưới vợ – thì ít người biết. Và truyện Quà Cho Cha chỉ là một trong những chuyện ít người biết.

Đọc xong tác phẩm này, tôi tưởng như có một sự uất ức nào đó gói ghém trong những câu chuyện này. Hầu như trong tất cả các chuyện, hình ảnh người đàn ông được tác giả vẽ ra rất tệ. Tại sao?
- Thưa, tôi là một ngòi bút được rất nhiều cảm tình của phái nữ; vì tôi hay “kể tội” mấy ông. Nhưng ngược lại, trong những tác phẩm trước, tôi cũng “có công” nói lên sự chịu đựng gian khổ, sự hy sinh vô bờ của thanh niên Việt-Nam trong cuộc chiến tương tàn. Tôi nghĩ, ngòi bút của tôi chỉ viết theo những biến chuyển của xã hội Việt-Nam, bên này và bên kia bờ Đại Dương.

Nếu ai đọc xong cuốn sách này, có thể họ không muốn lấy đàn ông Việt-Nam làm chồng.
- Anh nói như vậy là chết tôi! Nam độc giả của tôi sẽ có ác cảm với tôi và họ sẽ kết tội tôi.

Tôi nghĩ không ai có ác cảm và cũng không ai kết tội chị. Chị chỉ giàn trải nỗi lòng của chị để nói lên phần nào hoàn cảnh người phụ nữ trong xã hội Việt-Nam ngày trước “chồng chúa vợ tôi”. Mấy mươi năm qua rồi, hy vọng rằng xã hội sẽ thay đổi và đến một lúc nào đó người đàn ông và người đàn bà sẽ bình đẳng. Chị có nghĩ như vậy không?
- Tôi nghĩ sự thay đổi đã có trong cộng đồng người Việt di tản. Còn ở Việt-Nam vẫn chưa thay đổi. Bằng cớ là có nhiều gia đình, bằng mọi cách, phải tìm cho được một chàng rể Việt kiều. Đừng vội nghĩ rằng họ chỉ vì vấn đề tài chánh, vấn đề bảo lãnh mà vấn đề chính là: Lấy chồng tại Việt-Nam, người đàn bà vẫn bị hành hạ, bị bạc đãi, bị phản bội.

Vâng. Trở lại với Trăng Lạnh tôi muốn nói đến truyện Mảnh Đời Di Dân. Trong Mảnh Đời Di Dân tôi thấy nhiều sự đau khổ. Xin chị cho biết chị thu nhặt cốt chuyện này từ đâu?
- Thưa, chàng Đại thì do bạn tôi kể; còn anh em chàng Hector và Maria tôi dựa vào anh Mễ bán lan trong trại lan ở Sugar Land.

Tiếp đến là chuyện Trăng Lạnh. Truyện này tôi đọc rất thích thú. Tôi tìm và trích được những phân đoạn của những bản nhạc, ngoại quốc cũng như Việt-Nam, mà tác giả đã đề cập. Chị có thể cho biết trong trường hợp nào chị viết truyện Trăng Lạnh?
- Tôi viết truyện Trăng Lạnh vào thời gian tôi du lịch Alaska bằng du thuyền. Tôi đến thành phố Juneau. Khung cảnh ở Juneau giống như khung cảnh của Cầu-Đá Nha Trang.

Truyện này chị viết ra nỗi lòng của chị hay là...?
- Thưa anh, tôi có lồng tâm trạng của tôi trong đó. Và tôi cũng đã lồng những kỷ niệm của tôi trong đó.

“...Đêm nghe tiếng thở dài, đêm nghe những ngậm ngùi...” Chị nhớ tên tác giả không?
- Dạ không.

“...Đêm từng đên thức trắng, nhớ thương cuộc tình chìm trong hoang vắng. Ôi, cuộc tình bay xa vẫn chưa phai nhòa…” qua tiếng hát của... Diễm-Liên. Chị có nghe chương trình của đài Little Saigon hôm nay không?
- Dạ không, vì chủ nhật là ngày tôi tưới lan.

Tôi đã cố ý phát thanh hai bản nhạc chị đã đề cập trong truyện này, nhưng vì muốn dành ngạc nhiên cho chị nên không cho chị biết.
- Ô, tiếc quá!
(Tiếng hát Diễm-Liên văng vẳng xa xa: “...Đêm từng đêm thức trắng, nhớ thương cuộc tình ngày mưa tháng nắng. Ôi, tình yêu mong manh....”)

“...Kiều-Lam không còn gì để nuối tiếc về một cuộc tình đầy giông bão ấy nữa; nhưng không hiểu tại sao khi nghe đoạn nhạc này nàng vẫn không nén được tiếng thở dài!...” Đây có phải là nỗi lòng của tác giả không?
- Thưa anh, không. Khung cảnh Alaska đẹp vô cùng và gợi trong tôi những kỷ niệm xưa. Diễm-Liên hát rất hay và thường trình bày những nhạc phẩm tôi yêu thích. Tôi muốn đưa tiếng hát của Diễm-Liên vào tác phẩm của tôi.

Nghệ sĩ cũng như nhạc sĩ, khi nghe một bản nhạc nào đó, họ để cả tâm hồn và thể xác của họ vào bản nhạc đó và họ xem họ là vai chính của bản nhạc đó. Họ quên hết đời và chỉ biết một mình mình thôi. Bởi vậy tôi thích dùng danh từ nghệ sĩ. Vì nghệ sĩ thường có nhiều năng khiếu trong nhiều lãnh vực khác nhau. Họ đàn, họ hát, họ làm thơ, họ viết văn, v.v...Như... nghệ sĩ Điệp-Mỹ-Linh.
- Xin cảm ơn anh. Nhưng tôi bỏ đàn lâu quá rồi.

Chị bỏ đàn bao lâu rồỉ?
- Thưa, từ sau khi lập gia đình, khoảng hơn 40 năm.

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy chị đàn.
- Dạ, có đàn thì cũng đàn vậy thôi chứ không bằng như xưa. Tôi tập lại thì vẫn đàn được nhưng những ngón tay không được nhanh như xưa.

Tôi nhận thấy chị chọn những bài lồng trong câu chuyện này thật nhiều cảm xúc, như: “...Lặng lẽ đi tìm vết em đêm dài, nhịp nào gõ hồn tôi, cơn mưa dạt dào, vỗ về. Nhiều khi tôi tìm trong ký ức muộn phiến bóng hình ai đã tan vào cõi huyền không...”
- Dạ, đó là bản Vầng Tóc Rối.

Vậy Điệp-Mỹ-Linh có “vầng tóc rối” không?
- Thưa, tôi nghĩ, như lúc nãy anh đã nói, một nghệ sĩ khi nghe hoặc khi trình bày một bản nhạc thì họ để cả tâm hồn vào đó. Như Michael Jackson chẳng hạn. Khi anh chàng trình bày nhạc Rock thì anh chàng cũng Rocks dữ dội lắm. Nhưng khi anh chàng hát những bản tình cảm êm dịu như Human Nature hoặc Heal The World thì anh chàng cũng chìm đắm trong dòng âm thanh. Những lúc đó, nhìn vào mặt Michael Jackson mình có thể thấy và hiểu được anh chàng đang nghĩ gì và cảm nhận được gì từ bài hát mà anh chàng đang trình bày. Khi viết văn, tôi cũng để hết tâm hồn của tôi vào tình cảnh của nhân vật.

Truyện kế tiếp là Chút Tình Để Lại. Còn tình gì nữa không mà để lại, thưa chị?
- Thưa anh, tùy bút này viết sau khi tôi du lịch Hawaii. Khi đến Hawaii tự dưng tôi nhớ lại bản Good Bye Hawaii của Tino Rossi. Tôi nghĩ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời của Pháp, Tino Rossi, sau khi đi thăm Hawaii, đã để lại bản nhạc Good Bye Hawaii; còn tôi, một người bình thường, tôi xin để lại một chút tình. Chút tình đó là mối xúc động của tôi đối với chiến hạm Arizona. Chiến hạm Arizona bị Nhật đột kích, đánh chìm tại Trân-Châu-Cảng. Đó là chút tình của tôi.

Chị có nhiều tác phẩm, vậy chị có gia nhập Hội Văn Bút hay không?
- Dạ, ngay nhiệm kỳ đầu tiên khi Văn Bút Nam Hoa-Kỳ vừa thành lập, tôi là Tổng Thư Ký. Nhiệm kỳ thứ hai, tôi là Phó Chủ Tịch. Khi nhà văn Nguyễn Văn Sâm ứng cử vào chức vụ Văn Bút Hải Ngoại thì tôi trở thành quyền chủ tịch Văn Bút Nam Hoa-Kỳ.

Rồi sao nữa?
- Sau đó tôi không tham gia nữa. Lý do tôi “rút lui” là vì tôi viết để cho vui thôi. Tôi chỉ muốn tìm đến bạn hữu, anh chị em cầm bút để cùng chia xẻ, cùng vui chơi với nhau một cách thành thật. Nhưng khi tổ chức đó trở thành một nơi để tranh dành địa vị thì tôi không thích nữa.

Chị không gia nhập Văn Bút nhưng chị vẫn thích viết, vẫn thích thả hồn theo tiếng đàn, giọng hát của những người mà chị từng mến mộ, như Diễm-Liên chẳng hạn, đúng không?
- Dạ, đúng một phần. Tôi vẫn viết nhưng nghe nhạc thì tôi không có thì giờ để nghe. Tôi chỉ có thể nghe nhạc, nhạc ngoại quốc cũng như nhạc Việt-Nam, trong thời gian tôi lái xe đi làm hoặc trên đường lái xe về nhà, mỗi vòng khoảng 50 phút.

Xin chị cho biết lý do chị chọn tựa của truyện ngắn Trăng Lạnh để đặt tên cho toàn tập truyện? Có phải vì chị ưng ý truyện Trăng Lạnh hơn những truyện khác hay không?
- Thưa anh, không phải. Trăng Lạnh là tựa một nhạc phẩm do ông Cụ của tôi sáng tác trong thời kỳ tản cư. Tôi mượn tựa nhạc phẩm đó đặt cho truyện ngắn Trăng Lạnh của tôi. Sau khi hoàn tất tập truyện, tôi lại muốn mượn tựa nhạc phẩm của Ba tôi đặt tên cho tập truyện để tưởng nhớ công ơn của người Cha đã dẫn dắt tôi vào địa hạt âm nhạc và thế giới văn chương.

Vâng, xin cảm ơn nhà văn Điệp-Mỹ-Linh. Chương trình đến đây xin tạm ngưng.
- Xin trân trọng cảm ơn quý thính giả và xin cảm ơn anh Thăng-Long.

https://vantuyen.net


TRĂNG LẠNH

 Điệp Mỹ Linh

Chiều nào cũng vậy, sau khi dùng cơm tại phòng Romeo and Juliet, Kiều-Lam thích đợi ánh hoàng hôn về để lên phòng Windjammer Café nơi tầng 9 của du thuyền Legend of the Seas nghe anh chàng người Gia-Nã-Đại độc tấu Tây-Ban-Cầm; dù du thuyền có đến ba khu vực khác nữa để các nghệ sĩ luân phiên trình diễn mỗi đêm.

Tối nay, trong phòng Windjammer Café này chỉ còn lác đác vài người và Kiều-Lam; vì đa số du khách đã đi bờ, (danh từ của Hải-Quân, có nghĩa là rời tàu, rời đơn vị để đi phố) từ sau khi du thuyền cặp bến. Vậy mà anh chàng Canadian vẫn không để ý, chỉ say sưa đàn, thỉnh thoảng lại tự tạo những biến âm rất lạ, dễ cuốn hút người hiểu nhạc. Vì ít người, thừa bàn nên Kiều-Lam chọn chiếc bàn nơi góc, gần chỗ người nhạc công tài hoa đang ngồi, để nhìn mái tóc dài màu cát vàng của anh lóng lánh dưới ánh đèn spotlights. Anh vẫn ngồi trên bục gỗ cao. Đầu anh nghiêng nghiêng, mắt nhìn vào phím đàn nơi bàn tay trái và mái tóc anh lay động nhẹ theo từng chuỗi âm thanh. Thỉnh thoảng đôi kính mắt của anh lóe lên vì ánh đèn phản chiếu lúc anh ngẫng lên để hất nhẹ mái tóc ra phía sau. Đôi khi vai anh cũng lắc nhè nhẹ theo những cung đàn vui. Khi dạo những đoản khúc buồn, đầu anh hơi cúi xuống để ánh đèn nhạt nhòa từ trên trần cao tạo nên những nét khắc khổ, rã rời trên khuôn mặt hơi dài của anh. Nếu màu tóc của anh đậm hơn một tý, Kiều-Lam nghĩ, nàng sẽ nhầm anh với John Lennon, một thiên tài về âm nhạc của The Beatles. Nhân lúc anh bồi bàn đến mời dùng thức uống, Kiều-Lam nhờ anh yêu cầu anh chàng Canadian độc tấu nhạc khúc La Cumparsita(1). Kiều-Lam lắng nghe, tưởng như tiếng đàn quyện với hồn nàng. Và trong thoáng chốc, nàng cảm thấy hồn nàng vượt cao, cao hơn hẳn mọi phủ phàng và tệ bạc mà đời đã vùi dập nàng bấy lâu nay. Kiều-Lam vui và lòng thanh thản như ngày bé thơ, thường lắng nghe người anh họ, Phạm-Đình-Phê, đệm đàn tập cho nàng hát. Bây giờ nàng không hát được cho nên nàng chỉ gật gật nhè nhẹ theo điệu Tango rộn rã.

Khi bản nhạc sắp dứt, Kiều-Lam nhìn anh chàng Canadian. Lúc anh ngẫng lên, vô tình hướng về phía nàng, nàng khẽ cúi đầu, mỉm cười và đưa bàn tay hơi cao hơn bình hoa Pansy trên bàn một tý, rồi vẫy nhẹ để tỏ dấu cảm ơn. Anh cũng mỉm cười, nhấp nháy mắt tỏ dấu nhận hiểu. Sau đó anh chuyển sang điệu Moderato với tình khúc Second Piano Concerto (2). Từ bản nhạc này anh tiếp luôn tình khúc khác một cách liên tục và tài tình cho đến nổi phải đến vài phân đoạn Kiều-Lam mới nhận ra được đó là đoản khúc Melody In F(3). Anh cứ tiếp tục đàn những nhạc khúc quen cho nên Kiều-Lam vừa ngân nga theo rất nhỏ, chỉ đủ một mình nàng nghe, vừa lơ đểnh nhìn ngọn núi Mt. Juneau sừng sững ngang tầm mắt.
Trong thoáng chốc, dáng vẻ hùng vỹ của Mt. Juneau và những ngọn núi xa xa chìm vào màn đêm; chỉ còn những vùng tuyết ẩn hiện lờ mờ trên đỉnh núi cao, từ xa trông như những áng mây không di động. Dưới xa, sát chân núi Mt. Juneau là nhà hàng và cửa hàng bán quà kỷ niệm. Du khách nhàn tản bước dọc theo những cửa hàng bán quà kỷ niệm. Kiều-Lam nghĩ, nếu không có ánh đèn từ các cửa hàng và của những trụ đèn đường soi rõ con đường nhựa duy nhất và bãi đậu xe nhỏ nhắn chia cách khu phố và du thuyền thì nàng khó có thể phân biệt được bên nào là biển và bên nào là núi Mt. Juneau.

Từ sau khi rời tảng băng Hubbard Glacier cho đến bây giờ, Kiều-Lam không thể nhớ được du thuyền đã len lõi qua bao nhiêu chân núi. Nhưng không hiểu tại sao nơi chân núi này, với khu phố hẹp mang tên Juneau, nàng lại cảm thấy bồi hồi như nàng vừa đánh mất hoặc là vừa tìm lại được cái gì rất thân thương, rất gần gủi.
Trong khi Kiều-Lam chưa phân tích được tâm trạng của mình thì nàng chợt nhận ra tiếng Tây-Ban-Cầm của anh chàng Canadian lại chuyển sang một điệu Tango. Nghe quen lắm, nhưng nàng không nhớ được tựa đề của bản nhạc. Mãi đến lúc anh ngẩng lên, mái tóc vàng lay động hơi dồn dập và nét mặt anh phảng phất niềm vui như nét mặt của một người vừa trở về sau một chuyến viễn du, Kiều-Lam mới nhớ ra, đó là nhạc khúc La Paloma (4).

Nhạc khúc La Paloma, khu phố hẹp và mặt nước lóng lánh ánh đèn dưới xa như gợi lại trong hồn Kiều-Lam một vùng biển xưa; nơi đó nàng đã để lại những ngày thơ ấu êm đềm, những mối tình một chiều, một mối tình câm – mà sau này vô tình nàng mới hiểu được – và chỉ mang theo một cuộc tình nhiều đắng cay!
Những ngày thơ ấu nơi vùng biển xưa đó, cuối tuần, nhóm bạn cùng lứa thường rủ Kiều-Lam đạp xe đạp xuống một khu phố hẹp sát chân núi, bên kia con dốc nhỏ, cuối con đường sát bờ biển để ngắm những chú cá âm thầm bơi lội trong tủ kính của Hải Học Viện. Nhiều khi các bạn và nàng đạp xe xuống khu phố đó không phải để ngắm cá trong Hải Học Viện mà chỉ để đi “cà-rơ” dưới mấy cây bàng cằn cỗi dọc theo con đường nhựa duy nhất chia cách dãy phố buồn hiu và những ghềnh đá chơ vơ của một vùng biển nghèo, mang tên là Cầu-Đá, Nha-Trang

Một chiều nọ, tại Cầu-Đá, trong lúc cùng nhóm bạn lựa mua cái kẹp bằng đồi mồi nơi cửa hàng bán quà kỷ niệm, Kiều-Lam nghe một giọng nam rất êm ái: “Cô ơi, cô! Xin lỗi, cô làm ơn cho tôi hỏi thăm.” Cả nhóm vội ngẫng lên, vì không biết ông ấy hỏi đứa nào. Kiều-Lam nhận ra đây là một thanh niên cao, đeo kính cận, dáng vẻ rất chững chạc. Thanh niên nhìn Kiều-Lam, tiếp: “Có phải cô là người có tấm ảnh chưng trong tủ kính nơi hiệu ảnh Mai-Ngôn không?” Kiều-Lam thoáng bối rối, chưa biết nên nhận hay nên chối; nếu nhận thì hơi mắc cỡ mà chối thì khó quá, vì không quen nói dối. Các bạn đều biết tính Kiếu-Lam nhút nhát, bây giờ thấy rõ nàng đang lúng túng cho nên vài đứa đáp hộ: “Dạ, nó đó. Nó đó. Nó là... thủ phạm đó.” Nói xong mấy đứa bạn tựa vai nhau, cười một cách thích thú. Thanh niên cũng cười. Kiều-Lam chưa kịp làm mặt giận với các bạn thì bà chủ cửa hàng bán quà kỷ niệm từ ngoài bước vào. Thấy thanh niên đang cười vui với mấy cô học sinh, bà vồn vả: “Trời, Vũ! Sao con không mời các cô ấy vào trong nhà mà chuyện trò? Ở ngoài khách khứa ồn ào lắm, con.” Các cô nhìn nhau, không biết thối thoát bằng cách nào. Thanh niên cũng nhìn các cô rồi cười chứ chưa biết phải đáp lời Mẹ như thế nào. Xoay sang các cô, bà tiếp, giọng rất hãnh diện: “Con thứ hai của tôi đấy. Anh ấy học ở Saigon, thỉng thoảng về thăm Mẹ vài hôm rồi lại trở vào Saigon học. Anh ấy hiền, ít nói mà lại chăm học lắm nên chẳng quen biết nhiều. Quen được với các cô là quý lắm đó.” Bà quay sang Vũ, tiếp: “Con mời các cô ấy vào trong xơi nước, đi con.” Vũ mời nhóm bạn của Kiều-Lam và nàng vào phòng khách, ngay sau bức rèm cửa được làm bằng giấy của những tấm vé số kiến thiết vo tròn và xâu thành chuỗi. Kiều-Lam không hiểu vô tình hay cố ý, Vũ ngồi cạnh nàng.

Sau khi mọi người tự giới thiệu, Kiều-Lam mới biết Vũ đang theo học Y-Khoa, năm thứ tư. Các bạn “láu cá” của nàng hỏi Vũ về sự khác biệt giữa đại học Saigon, Huế và Dalat; về những phân khoa nào thích hợp cho con gái; về một Saigon mà các cô luôn luôn ước mơ sẽ có ngày được đặt chân tới. Vũ giải đáp rất tường tận và từ tốn. Thấy Kiều-Lam không nói gì, Vũ hỏi: “Còn Kiều-Lam? Sao không nói gì hết vậy?” Vũ hỏi hơi bất ngờ khiến nàng mất bình tĩnh. Để che dấu sự mất bình tĩnh và sự nhút nhát của mình, Kiều-Lam chỉ guitar trong bọc vải, treo trên tường và hỏi một câu rất lạc đề: “Ai chơi guitar vậy, anh?” Vũ cười rất hiền hòa: “Tôi, nhưng còn non lắm.” Chỉ vậy, rồi Kiều-Lam lại ngồi im để các bạn trổ tài ngoại giao. Một lúc sau Vũ lại nói với Kiều-Lam: “Từ khi gặp Kiều-Lam tôi mới biết tôi không phải là người ít nói như bà cụ của tôi thường bảo.” Trong khi Kiều-Lam chỉ cười một cách e thẹn thì nhóm bạn nhao nhao lên phá: “Nó để dành hơi để hát đó.” Vũ cười, nhìn Kiều-Lam. Nàng nhìn xuống đôi guốc Dakao màu trắng, tay vân vê quai nón màu hồng nhạt.
Khi tiễn các cô ra chỗ dựng xe đạp, Vũ nói nhỏ với Kiều-Lam trong khi nàng đang loay hoay mở khóa xe: “Ước gì tôi được nghe Kiều-Lam hát, dù chỉ một câu thôi.” Kiều-Lam chỉ biết cười và lý nhí cảm ơn.

Trên đường về, nhóm bạn gái chia tay nhau trước Grand Hotel. Kiều-Lam đạp xe chầm chậm dọc con đường sát bờ biển để nhìn những cụm thông im lìm, để thấy lá bàng bay bay, để nghe tiếng sóng thì thầm hoà với tiếng guitar độc tấu phát ra từ những máy khuyếch đại âm thanh do đài phát thanh gắn trên mỗi cây bàng. Máy khuyếch đại âm thanh này thường bị rè nên đã làm giảm đi rất nhiều giá trị nghệ thuật. Nhưng không hề gì. Đối với Kiều-Lam, lúc đó, giá trị nghệ thuật không cần thiết; nàng chỉ muốn, cùng một lúc, được nhìn lá bàng bay, được nghe tiếng sóng rì rào để tiếng Tây-Ban-Cầm-không-đối-thủ của Phạm-Đình-Phê trong những nhạc khúc ngoại quốc, dẫn dắt hồn nàng đến những bến bờ xa xăm mà khối óc đầy mơ mộng của nàng cứ nghĩ trong đời có lẽ không bao giờ nàng có thể đến được. Không ngờ, sau khi đến được những bến bờ mà ngày xưa nàng từng mơ ước thì Kiều-Lam mới ý thức được rằng chỉ có một nơi không thể nào nàng tìm lại được, đó là bến xưa! Vì muốn tìm lại bến xưa, Kiều-Lam đã trở về chốn cũ, nhưng không còn gì; có còn chăng là một eo biển vắng với những gốc cây bàng sần sùi cố bám rễ vào con đường nhựa lỡ lói trước một dãy phố lụp xụp, tiêu điều. Juneau ơi! Kiều-Lam tự nhủ, nếu Juneau có được vài cây bàng, nếu ngọn núi mà Juneau tựa lưng vào hơi nhỏ hơn một tý và nét kiến trúc của Juneau bớt diêm dúa đi thì nàng sẽ quyến luyến Juneau biết dường nào; vì Jeneau mang được nhiều nét thân thương của một bến xưa mà hồn nàng luôn luôn trân quý!

Dòng ý tưởng của nàng vừa đến đây, Kiều-Lam chợt nghe một âm điệu rất thiết tha, rất dạt dào và rồi tiếng hát hơi khàn và đục của anh chàng Canadian: “Feelings, nothing more than feelings, trying to forget my feelings of love...” (5) Đây là tình khúc Kiều-Lam đã yêu cầu anh chàng Canadian độc tấu ngay đêm đầu tiên khi du thuyền vừa rời hải cảng Seward.
Đêm đó chàng Canadian chỉ đàn. Đêm nay anh vừa đàn vừa hát. Lời ca quyện với tiếng đàn khiến hồn Kiếu-Lam chơi vơi trong dòng kỷ niệm ngập ngụa ưu phiền.
Tự dưng Kiều-Lam thảng thốt nhận ra trạng thái tình cảm này dường như cũng đã đến với nàng, nhưng không nhớ vào thời điểm nào. Phải một lúc khá lâu Kiều-Lam mới nhớ được, đó là một buổi chiều chủ nhật, khi nàng đang treo máy sưởi trong nhà ươm lan. Lúc treo xong cái máy sưởi cuối cùng, trong khi nàng đang nhìn khoảng cách từ máy sưởi đến giò Dendrobium gần nhất để lượng định ảnh hưởng của hơi nóng từ máy sưởi đến giò lan thì chợt nghe tiếng hát trong suốt, ngọt ngào văng vẳng trong không gian im vắng: “...Đêm nghe tiếng thở dài. Đêm nghe những ngậm ngùi...” Kiều-Lam đứng lặng, nhìn ra khoảng sân rộng với cõi lòng rưng rức như cõi lòng của người vợ trẻ, ngày xưa, thường lên sân thượng, nhìn về phương trời xa mong chờ bóng dáng một người...Tiếng hát của cô gái vẫn êm ái mượt mà nhưng hồn Kiều-Lam lại dao động từng hồi. Sau này vô tình Kiếu-Lam mới biết người hát tình khúc đó là ca sĩ Diễm-Liên, nhưng Kiều-Lam không nhớ tựa đề của bản nhạc.
Kiều-Lam không nhớ chiều hôm đó nàng có đủ can đảm nghe Diễm-Liên hát hết ca khúc ấy hay là nàng phải đóng cửa vườn lan để khỏi bị tiếng hát khơi lại nỗi đau xưa. Nhưng bây giờ, trong trạng thái tình cảm này, nàng muốn nghe lại tiếng hát ấy để tìm lại chút dư vị đắng cay mà nàng không hiểu nghị lực nào đã giúp nàng chịu đựng được suốt mấy mươi năm dài!
Trở về phòng, trong khi tìm cassette, earphone và những cuộn băng có Diễm-Liên hát, Kiều-Lam thầm nghĩ đến các con, dâu và rể của nàng – những người đã, không những tặng nàng vé du lịch mỗi năm mà còn sắp sẵn vào va-li những gì nàng cần và những gì nàng thích.

Vừa rời thang máy Kiều-Lam vừa nghĩ, trời lành lạnh, đi lang thang trên vùng đất mang nhiều nét thân thương của một vùng biển xưa và lắng nghe giọng ca tha thiết của Diễm-Liên sẽ là niềm thú vị vô biên. Bằng lòng với niềm vui nhỏ nhoi đó, nàng gắn earphone vào tai, mở nút “on” nơi cassette rồi cho cassette và hai tay vào túi áo lạnh.
Chưa kịp đặt chân lên tấm thảm đỏ dẫn ra cầu thang, Kiều-Lam nghe ai nói gì đó rồi một cánh tay lực lưỡng, màu nâu sậm, chận nàng lại. Kiều-Lam vội lấy earphone ra, nhìn người đã chận nàng:
- Xin lỗi, ông nói gì?
Anh chàng Mỹ đen cười vui, chỉ vào cái máy kiểm soát, pha trò:
- Có lẽ bà đang thưởng thức một đoạn nhạc tuyệt vời cho nên bà quên cho thẻ an ninh của bà vào máy trước khi bà rời du thuyền.
Không bận tâm về tính đãng trí của mình, Kiều-Lam lí nhí lời xin lỗi rồi làm theo lời nhân viên kiểm soát an ninh.
Xoay người ra cầu thang, bước ngược chiều với những du khách trở về, Kiều-Lam nghe loáng thoáng lời chúc của anh chàng kiểm soát an ninh: “Hãy có một buổi tối tuyệt đẹp” mà không biết anh chúc nàng và những người rời du thuyền hay anh chúc những người vừa đi bờ về.

Trong khi du khách đi dần về hướng phố thì Kiều-Lam đi dọc theo cầu tàu, nơi du thuyền đang cập, để được thảnh thơi một mình, lắng hồn vào tiếng hát, lời ca.
Kiều-Lam đến bên chiếc cầu gỗ dẫn xuống bến tàu; nơi đó vài chiếc du thuyền nhỏ và mấy chiếc canoes đang nhấp nhô như đợi thủy triều dâng. Kiều-Lam nhìn lại hướng chiếc Legend of the Seas và thấy cả vùng ánh sáng rực rỡ trên du thuyền phản chiếu trên mặt nước xanh thẫm. Tự dưng nàng cảm thấy nặng nơi lồng ngực và như có điều gì rưng rức trong hồn nàng! Phải một lúc sau Kiều-Lam mới nhận biết được rằng chính vùng ánh sáng trên du thuyền phản chiếu lung linh trên mặt nước đã gợi nơi hồn nàng nỗi cô đơn vô tận của những đêm lang thang một mình trên bến Bạch-Đằng, Saigon. Những đêm đó, ánh đèn từ câu-lạc-bộ-nổi của Hải-Quân, từ những chiến hạm đang cập trước Bộ Tư Lệnh Hải-Quân và từ nhà hàng Mỹ-Cảnh, cũng phản chiếu lung linh trong dòng nước lặng lờ. Trong khi từng cặp, từng cặp sánh bước bên nhau trên bến Bạch-Đằng thì Kiều-Lam lang thang một mình để gậm nhắm nỗi đau riêng!
Bây giờ, nỗi đau đã rơi vào trạng thái bảo hòa, nhưng tiếng hát thiết tha và giọng ngân êm ái của Diễm-Liên vẫn gợi lại trong lòng Kiều-Lam nhiều nỗi xót xa: “...Đêm từng đêm thức trắng nhớ thương cuộc tình chìm trong hoang vắng. Ôi! Tình yêu bay xa vẫn chưa phai nhòa ...” (6) Kiều-Lam không còn gì để nuối tiếc về một cuộc tình đầy giông bão ấy nữa; nhưng không hiểu tại sao khi nghe đoạn nhạc này nàng vẫn không nén được tiếng thở dài!

Kiều-Lam ngồi lên phiến đá nhỏ cạnh chiếc cầu gỗ. Trong trạng thái vô thức, nàng đưa tay mơn man khóm fireweeds màu hồng nhạt mọc quanh phiến đá. Kiều-Lam hơi ngạc nhiên, tại sao nàng có thể nhận ra màu hồng nhạt của fireweeds khi mà nàng đã đi xa du thuyền, xa khu phố và mấy ngọn đèn đường. Nhìn quanh, nàng cũng ngạc nhiên khi thấy được, xa xa, vùng nước xanh mà lúc sáng chiếc du thuyền nhỏ đưa du khách đi tìm xem cá voi, hải cẩu và gấu. Khi nhìn lên bầu trời trong vắt Kiều-Lam mới nhận ra là trăng đã lên.
Nhìn ánh trăng tự dưng Kiều-Lam nhớ đến ánh trăng của đêm họp mặt tại nhà Vũ. Tối hôm đó, ánh trăng soi rõ khoảng sân rộng có cây ngọc lan và mấy cây mai tứ quý trong chậu kiễn. Vũ hái mấy đóa ngọc lan và trao tận tay nhóm bạn của Kiều-Lam. Khi Vũ đến cạnh, Kiều-Lam cũng xòe bàn tay sẵn sàng đón nhận đóa ngọc lan, nhưng Vũ không để đóa hoa vào lòng bàn tay của nàng mà Vũ lại gắn lên cái kẹp trên mái tóc nàng. Nhóm bạn hay phá phách của Kiều-Lam “ồ” lên cùng một lúc. Vũ chỉ tủm tỉm cười. Kiều-Lam mắc cở quá, chỉ biết ngồi im, cúi mặt, cười.

Đến phần văn nghệ, nhóm bạn của Vũ đàn và hát rất sôi nổi khiến nhóm bạn của Kiều-Lam buộc nàng phải “đối phó” để khỏi bị...quê! Sau khi Kiều-Lam miễn cưỡng nhận lời, mọi người bảo Vũ thiên vị khi tặng hoa, bây giờ phạt Vũ, buộc Vũ phải đàn cho Kiều-Lam hát. Vũ ôm đàn, nhìn nàng, cười cười, chờ đợi. Kiều-Lam nói nhỏ: “Dạ, anh dạo cho Do Majeur, slow.” Kiều-Lam cất tiếng hát tình khúc Trăng-Lạnh của Điệp-Linh: “Trăng lả lướt, biết bao thu mùa ru lá rụng. Chiếc lá vàng rơi trong tối mênh mang. Cùng thời gian lắng trong tiếng thu tàn. Nhớ lại chăng đêm nào chiếc lá rơi. Người ơi! Nhẹ bước. Lạnh lùng thân chiếc là vàng khô rơi không tiếng vang...” Khi nghe Vũ đệm cho nàng hát Kiều-Lam mới biết Vũ là người rất thành thật khi xác nhận chàng không có ngón đàn Tây-Ban-Cầm điêu luyện. Và sau đó Kiều-Lam cũng hiểu Vũ rất thành thật khi chàng đột ngột và vụng về tỏ tình với nàng. Kiều-Lam chỉ cúi đầu, câm lặng.

Mấy mươi năm qua Kiều-Lam vẫn không hiểu nguyên nhân nào nàng câm lặng. Mấy mươi năm qua Kiều-Lam cũng vẫn không thể hiểu được tại sao nàng không yêu Vũ! Và cũng mấy mươi năm qua, không biết bao nhiêu lần Kiều-Lam đã niệm và đã nghe niệm “Gate Gate Paragate, Parasamgate. Bodhi Svaha...” (Hãy qua, hãy qua bên bờ bên kia...) nhưng nàng cũng không hiểu tại sao nàng vẫn mãi hoài ngụp lặn trong vũng sầu! Dù chìm ngập trong vũng sầu, Kiều-Lam cũng không hiểu tại sao chưa bao giờ nàng hối tiếc là nàng đã câm lặng và đã không yêu Vũ mà nàng chỉ hối tiếc là nàng đã gửi thiệp thành hôn của nàng đến cho Vũ! Bây giờ, cả vùng không gian miền Bắc bán cầu này nhuốm lạnh trong ánh trăng mơ thì trong hồn Kiều-Lam niềm hối tiếc về hành động ngây ngô, thiếu suy nghĩ của nàng ngày xưa cũng ngập tràn! Kiều-Lam thở dài ngẫng nhìn những phiến băng trên đỉnh Mt. Juneau lấp lánh ánh trăng.
Ánh trăng soi rõ những phiến đá dị hình chia cách những khe núi thâm u. Ánh trăng soi rõ những vạt sương mong manh ẩn hiện trong rừng thông bạt ngàn. Ánh trăng soi rõ những tòa buildings nơi vùng thị tứ của Juneau, ở phía xa. Ánh trăng soi rõ mặt nước xanh thẫm của Gastineau Channel. Ánh trăng soi rõ từng lượn sóng nhấp nhô quanh mấy chiếc Canoes và du thuyền nhỏ. Ánh trăng soi rõ bóng Kiều-Lam trải nghiêng trên khóm cỏ fireweeds đẫm sương. Ánh trăng cũng soi rõ niềm cô đơn trong hồn Kiều-Lam. Kiều-Lam thoáng rùng mình, không hiểu vì lạnh hay là vì sợ hãi niềm cô đơn. Khi nàng đứng lên, muốn trở lại du thuyền để bớt lẻ loi thì giọng ca sướt mướt của Diễm-Liên đang nức nỡ ở đoạn: “...Lặng lẽ đi tìm dấu em đêm dài, nhịp nào gõ hồn tôi, cơn mưa dạt dào, vỗ về. Nhiều khi, tôi tìm trong ký ức muộn phiền bóng hình ai đã tan vào cõi huyền không...” (7) Kiều-Lam lại thở dài, nhìn bóng nàng soải dài trên nền xi-măng lạnh lẻo như nhìn vào quá khứ xa xăm để tìm xem tim nàng đã lỗi nhịp ở phân đoạn nào!

Kiều-Lam bước đi, chiếc bóng câm lặng của nàng cũng bước theo; từ đó Kiều-Lam hiểu rằng dù tim nàng phải chịu thương tổn đến ngần nào đi nữa thì nàng cũng không thể tách rời cuộc đời còn lại của nàng ra khỏi một dĩ vãng nặng chĩu ưu phiền!
Kiều-Lam nhìn lên triền núi Mt. Juneau. Trong vùng không gian tĩnh mịch, nàng tưởng như tiếng hát mượt mà, óng chuốt của Diễm-Liên vang xa và trở nên long lanh như những giọt sương bịn rịn trên cành thông dịu dàng.

Điệp Mỹ Linh

http://www.diepmylinh.com

*.- Mượn tựa nhạc phẩm Trăng-Lạnh của Ba tôi – Cụ Điệp-Linh.
1.- Của G.H. Matos Rodriguez.
2.- Của S. Rachmaninoff
3.- Của A. Rubinstein.
4.- Của Sebastian Yradier.
5.- Feelings của Morris Albert
6.- Kỷ Niệm Buồn, cassette không ghi tên tác giả.
7.- Vầng Tóc Rối của Mai-Anh-Việt

 


Tự truyện

TẠ LỖI VỚI NGƯỜI THƠ

Ðể tưởng niệm nhà văn Phụng-Hồng tức nhà thơ Hoàng-Việt-Sơn, Hoàng-Vũ-Bão
và Cố Chuẩn Tướng Nguyễn-Bá-Liên

Điệp Mỹ Linh

Tình cờ gặp lại Thúy-Minh, người bạn ngày xưa cùng học trường Võ-Tánh và cũng cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc Bình-Minh đài phát thanh Nha Trang, Thanh-Ðiệp mừng quá, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Vừa trả lời được vài câu, Thúy-Minh đột ngột bảo:
- Anh Hoàng-Việt-Sơn chết rồi, Thanh-Ðiệp biết chưa?
Sau giây phút kinh ngạc đến sững sờ, Thanh-Ðiệp rơi vào trạng thái ngờ vực và chối bỏ.
- Anh Hoàng-Việt-Sơn làm sao mà chết được!
Thúy-Minh lập lại, “Chết rồi!”
Sau đó, để kiểm chứng, Thanh-Ðiệp điện thoại cho người bạn thân của Hoàng-Việt-Sơn – bác sĩ Thuận. Bác sĩ Thuận, không những xác nhận tin dữ, mà còn cho nàng biết rõ Hoàng-Việt-Sơn mất vào ngày thứ Năm, vì bệnh tim. Nửa tin nửa ngờ, Thanh-Ðiệp điện thoại sang Ngọc-Hoài-Phương, người bạn thân của Hoàng-Việt-Sơn, và cũng là chủ nhiệm nguyệt san Hồn-Việt mà Hoàng-Việt-Sơn cộng tác thường xuyên, dưới bút hiệu Phụng-Hồng. Ngọc-Hoài-Phương không có ở tòa soạn. Thanh-Ðiệp gọi Phương-Dung, vợ của Ngọc-Hoài-Phương, những mong Phương-Dung sẽ cho nàng nguồn tin trái ngược với những gì nàng đã nhận được. Nhưng không, Phương-Dung xác nhận đúng, Hoàng-Việt-Sơn đã vĩnh viễn ra đi. Thanh-Ðiệp thảng thốt kêu lên: “Ô! Trời ơi!” Rồi nàng không nghe được gì nữa. Thanh-Ðiệp cảm thấy mất thăng bằng và tưởng như đang bềnh bồng trong vùng không gian câm nín.
Thanh-Ðiệp không nhớ trạng thái giao động tình cảm của nàng kéo dài trong bao lâu; nhưng nàng nhớ, năm 1999, sự thích thú nhẹ nhàng cứ lan dần, lan dần trong lòng nàng khi bất ngờ nàng đọc được bài điểm sách, ký bút hiệu Phụng-Hồng, viết về một tác Tưởng Như Trở Vể của nàng, đăng trên báo Ngày Nay, do Trọng-Kim làm chủ bút kiêm chủ nhiệm.
Sự xuất hiện của bài điểm sách cũng như bút hiệu Phụng-Hồng khiến Thanh-Ðiệp thắc mắc. Với dụng ý truy tìm chi tiết để dò ra manh mối tác giả bài điểm sách, Thanh-Ðiệp đọc lại bài ấy thật kỹ. Nàng khám phá ra Phụng-Hồng là một bút hiệu khác của Hoàng-Việt-Sơn – vị bác sĩ Quân-Y, lúc còn là sinh viên, đã nhờ Trung-Úy Thủy-Quân Lục-Chiến Nguyễn-Bá-Liên, anh họ của Thúy-Minh, trao tặng Thanh-Điệp bài thơ Tiếng Ðàn Ðêm Trung Thu, cách nay hơn 40 năm. Thanh-Ðiệp cảm thấy rất thú vị, nhưng nàng chưa biết phương cách nào để liên lạc với Phụng-Hồng.
Vài hôm sau Thanh-Ðiệp nhận được thư Hoàng-Việt-Sơn gửi về P.O. BOX, (địa chỉ này được in phía sau tác phẩm của nàng) tự nhận chàng là “thủ phạm” của bài thơ Tiếng Ðàn Ðêm Trung Thu năm xưa và cũng là “thủ phạm” bài điểm sách mới đây. Hoàng-Việt-Sơn yêu cầu Thanh-Ðiệp xác định có phải nàng là “cô bé” đàn phong cầm và hát tình khúc Dạ-Khúc của Nguyễn-Mỹ-Ca trong buổi văn nghệ ủy lạo binh sĩ Thủy-Quân Lục-Chiến do tiểu đoàn phó Nguyễn-Bá-Liên – bạn thân của Hoàng-Việt-Sơn – mời, vào đêm Trung-Thu năm 1956, tại căn cứ Sóng-Thần, Nha trang hay không?
Là một người ngoại giao không được khéo, ít bạn, nay tìm lại được một người biết nàng từ ngày còn bé, Thanh-Ðiệp vui thích lắm. Còn bài thơ ngày xưa Hoàng-Việt-Sơn tặng mà nàng ngây thơ, khờ dại không chịu hồi âm thì, nàng nghĩ, đó chỉ là những rung động nhất thời của chàng, một người có tâm hồn đa cảm. Giờ đây giữ cho nhau chút tình bạn cũng quý rồi. Nhưng chàng không nghĩ như vậy! Sau khi nhận được sự xác nhận của Thanh-Điệp, Hoàng-Việt-Sơn gửi ngay cho nàng những dòng thơ rất tha thiết, rất ngọt ngào:

Anh thấy hôm nào chiếc ảnh em,
In trong bìa cuốn sách êm đềm.
Nhớ ai em thoáng buồn xa vắng?
Mắt ướt như từng đẫm lệ hoen.

Người ấy ngày xưa nét mặt buồn,
Tuổi đời trong trắng tựa sao trăng,
Yêu đương nào biết, thơ ngây quá!
Nửa thế kỷ rồi chẳng nói năng.

Người ấy ngày xưa quá hững hờ,
Vô tình nào hiểu được bài thơ,
Ðể chàng thiếu úy Quân-Y ấy,
Năm tháng phôi pha cũng vẫn chờ… (1)

Thanh-Ðiệp hơi hoảng, chưa biết phản ứng bằng cách nào thì Hoàng-Việt-Sơn gửi tiếp bài “Em Là Ai” với những câu thật dễ thương:
… Anh nhìn Em mà tưởng chừng sẩy bước,
Mái tóc dài buông lơi lả bờ vai.
Ai hai mươi đi hái vạn hoa cười?
Anh lẻo đẻo mang tâm tư sầu đắng.
Em mắt nâu, nhìn xa xăm im lặng,
Anh sững sờ nghe động đáy con tim…

Thanh-Ðiệp viết thư và không hề úp mở gì cả, cho Hoàng-Việt-Sơn biết rằng nàng không còn được một tý gì của hình ảnh mà chàng vẫn giữ trong lòng suốt gần nửa thế kỷ qua. Xin hãy quên hết đi và xem nàng như một người em hay một cô học trò thôi. Hoàng-Việt-Sơn phúc đáp bằng bài Mối Tình Ðầu:
Cho anh sống lại mối tình đầu,
Xa cách nghìn trùng vẫn nhớ nhau.
Họp mặt trăng rằm Trung Thu ấy
Phong cầm Dạ Khúc chuyện xưa, sau.

Cho Anh sống lại mối tình đầu,
Nửa thế kỷ qua vẫn gối sầu.
Tình hận tưởng chôn vào dĩ vãng,
Bỗng về sống lại tựa chiêm bao.

Cho Anh sống lại mối tình đầu,
Em đã vô tình đốt cháy sâu.
Nao nức mộng mơ ngày tái ngộ.
Dòng thơ thủ thỉ nén thương đau.

Cho Anh sống lại mối tình đầu,
Ai có ngờ đâu, có biết đâu,
Thanh-Ðiệp ngày xưa như bướm lạ,
Hững hờ… thơ đọc, chẳng tìm nhau.

Cho Anh sống lại mối tình đầu,
Lưu luyến ngàn đời, mặc bể dâu.
Ai đã lạnh lùng khuya đối bóng?
Trời ơi! Em có biết Anh cầu…!

Đọc xong bài thơ này Thanh-Ðiệp biết vấn đề sẽ vượt ra ngoài những gì nàng dự tưởng. Theo nàng hiểu, viết văn xuôi, người giàu óc sáng tạo có thể gán ép cho nhân vật của mình bất cứ điều gì mình chọn lựa; ngược lại, thơ thường xuất phát từ nội tâm. Và chính J. Cocteau cũng xác nhận: “Thi sĩ là thứ láo xược luôn nói sự thật.” Như vậy có nghĩa rằng Hoàng-Việt-Sơn vẫn còn nặng lòng với nàng? Riêng Thanh-Ðiệp, nàng không đủ can đảm cự tuyệt – vì chàng chỉ tặng nàng những bài thơ dễ thương chứ chàng không hề vô lễ hoặc sàm sở, lố bịch – mà nàng cũng không tìm được chút rung động nào trong lòng nàng. Thanh-Ðiệp tự biết, nàng không phải là nữ tu; nàng cũng không bị ràng buộc vì mớ đạo đức nghịch lý của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trang, ông Lão nào cả; và, quan trọng hơn hết, nàng không bao giờ dám có ý nghĩ Hoàng-Việt-Sơn là một “vỏ dừa” (2) đáng sợ. Vậy thì tại sao trái tim của nàng cứ chai lỳ đến nỗi Hoàng-Việt-Sơn phải trách:
… Em hững hờ xa lạ,
Mặc ai da diết buồn.
Em lạnh lùng sắt đá,
Anh ép dòng lệ tuôn... (3)

Những hờn trách và chút tủi thân của Hoàng-Việt-Sơn khiến Thanh-Ðiệp nghĩ ngợi rất nhiều. Nhưng nỗi buồn cô đọng trong bốn câu sau đây mới làm ray rức hồn nàng:
...Chiều xuống, sầu dâng đến não lòng,
Mịt mờ Texas vẳng thu không.
Vời trông lá rụng sầu đôi ngã,
Dằn vặt tâm tư lệ nhỏ dòng… (4)

Sau những giây phút buồn, tủi thân và hờn trách, Hoàng-Việt-Sơn trở về với bản tính lạc quan, yêu đời:
Ôi, trái tim em đẹp bội phần!
Người tên Thanh-Ðiệp bướm vườn xuân.
Ðêm nay gió lạnh giao mùa chuyển,
Anh nhớ em mà nước mắt dâng.

Em đã cho anh ý nghĩa đời,
Cung đàn năm ấy còn chơi vơi.
Thế tình đã mấy ai tri kỷ?
Anh quyết theo em trọn kiếp người.

Kiếp người chờ mãi ngàn thương nhớ
Nửa thế kỷ rồi lắm bể dâu.
Cố nhân còn dệt cung đàn cũ?
Gieo mãi cho ta một mối sầu!....(5)

Khi những câu thơ đậm tình như thế mà cũng vẫn không chinh phục được trái tim của nàng thì Thanh-Ðiệp hiểu. Tim của nàng, sau nhiều thương tổn nặng nề, nay đã cằn cỗi, tật nguyền, chỉ còn đủ khả năng cho nàng sự sống chứ không còn biết rung động trước bất cứ một biến động tình cảm nào nữa cả!
Khi đăng thơ trên báo, Hoàng-Việt-Sơn, lúc này chàng có thêm bút hiệu Hoàng-Vũ-Bão, thường đề: Trọn vẹn trao về Cô Bé Tóc Dài T. Ð., hoặc viết tắt bút hiệu của nàng. Khi điện thoại, đôi khi Hoàng-Việt-Sơn gọi nàng bằng tên thật hoặc Nàng hoặc Phu Nhân Một Thời Oanh Liệt. Biệt danh sau cùng chàng đặt cho nàng sau khi chàng đọc loạt bài nàng viết về Lính và về Hải- Quân.
Thanh-Ðiệp gửi thư cảm ơn chàng về những bài thơ và hỏi đùa rằng tại sao chàng lại đeo đuổi mãi một “mối tình đui”? Thanh-Ðiệp là người rất lười viết thư và viết thư rất dở, vậy mà chàng cũng rung động vì cái dở của nàng:
… Em viết sao mà lắng nỗi niềm
Tâm tình giao động giữa trời im
Ðọc rồi đau xót, lòng da diết
Chia cách, Trời ơi! Lạnh ước nguyền.

Ôi mộng vô cùng, Ðiệp thiết tha
Yêu Em biết mấy nẻo quê nhà
Giá mà đời chẳng chia sông núi
Có phải tình ta đã mặn mà?...

….Anh dẫn Em về lối mộng xưa
Mà Em hờ hững vô tình chưa?
Khói hương đầm ấm nào đâu thấy,
Chỉ thấy phai tàn bóng tuổi thơ!

Anh dắt Em về quá khứ qua,
Trường xưa Võ-Tánh mộng hiền hòa.
Cho Em đôi cánh hồn nâng bổng
Ðến một phương trời Anh tặng hoa…

….Nhắc đến làm chi thương nhớ thêm,
Ngày xưa tưởng nhớ mộng êm đềm.
Hỡi ơi! Cô Bé Tóc Dài ấy,
Sao quá vô tư đến độ hiền?

Cả một trời thơ đọng bóng Em
Làm sao thố lộ được nỗi niềm?
Anh mong có lại ngày Thu ấy
Ðể hát Trung-Thu bóng nguyệt chìm.

Hy vọng ngày mai có mãi nhau
Chiếc cầu ô-thước sẽ bền lâu
Cùng nhau đi mãi trên cầu ấy
Anh sẽ yêu Em đến cuối đời. (6)

Biết không thể nào thuyết phục được Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Ðiệp viết một truyện ngắn, trong đó nàng trích thơ của chàng và cũng để cho chàng thấy rõ ước muốn của nàng là chỉ mong làm một người em hoặc một người học trò của chàng thôi; mà thật sự Thanh-Ðiệp quý Hoàng-Việt-Sơn như một bậc Thầy, vì chàng cầm bút từ khi nàng còn là Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm.
Trong ý nghĩ này, nhân lúc Hoàng-Việt-Sơn điện thoại thăm, Thanh-Ðiệp đề nghị, từ nay chàng đọc hộ và góp ý về bài của nàng trước khi nàng gửi đăng báo. Dù Thanh-Ðiệp không tiết lộ nội dung bài viết, Hoàng-Việt-Sơn cũng thẳng thắn từ chối. Chàng bảo chàng có cái thú riêng khi nghiền ngẫm từng chữ trong bài của nàng, trên báo, chứ không phải trên bản thảo.
Vì Hoàng-Việt-Sơn không chịu đọc bản thảo, cho nên, khi chàng đọc một truyện ngắn của nàng trên báo, chàng rất buồn về đoạn kết. Chàng than: “Sao Ðiệp nghiệt với anh quá vậy?” Nàng im lặng. Chàng tiếp: “Phục nàng quá. Nàng cứ ‘lộng giả thành chân’, viết như thật. Anh mà được cùng em ngoạn cảnh bằng thuyền trên hồ Tuyền-Lâm và đi bên nhau trên thành phố Dalat trong cảnh tình tứ như nhân vật Phong đi với Bảo-Trân trong truyện của em thì rồi có chết anh cũng mãn nguyện.” Nàng cười buồn: “Anh nói quá đáng.” Chàng thở dài: “Em đa nghi chứ thật lòng anh chỉ mơ ước được đường đường chính chính đi cạnh em thôi.” Thanh-Ðiệp đáp: “Ðiệp đã thưa với anh nhiều lần rồi. Ðừng đề cập đến chuyện ấy nữa. Anh thử xử sự với Ðiệp như với một cô học trò, rồi anh sẽ quen và anh sẽ thấy dễ chịu.” Chàng bảo: “Anh không muốn làm thầy; anh chỉ muốn làm người yêu của em thôi.” Nàng cười buồn: “Ðiệp đâu còn gì cho anh. Thôi, quên hết đi, anh.” Chàng lại bảo: “Anh yêu Ðiệp là vì Ðiệp mà thôi chứ anh không yêu Ðiệp vì những gì Ðiệp có hoặc những gì Ðiệp mất”. Nàng nghiêm giọng: “Nếu anh cứ tiếp tục nói những câu như vậy, Ðiệp e rằng…” Như ngại nàng sẽ nói lời cự tuyệt, chàng chận lời: “Ừ, thì thôi. Rứa cho anh gặp mặt một lần, được không?” Nàng vẫn không thay đổi ý định: “Dạ, không.” Chàng buông tiếng thở dài não nuột: “Chao ôi! Không ngờ từng này tuổi rồi mà anh cũng còn khổ vì tình! Ðừng nghiệt với anh quá, Ðiệp ơi!” Nàng hỏi: “Anh nhớ ý tưởng của Bảo-Trân trong câu chuyện em viết chứ?” Chàng đáp: “Ít có chi tiết nào trong những tác phẩm của em mà anh quên lắm.” Giọng nàng thật buồn: “Vậy thì anh nên hiểu cho Ðiệp. Ðiệp đã đớn đau, ê chề trong suốt cuộc đời của Ðiệp; vì vậy Ðiệp thương thân phận đàn bà. Ðiệp không đang tâm gây phiền lụy cho bất cứ người phụ nữ nào cả.” Chàng xác định: “Chuyện gia đình của anh, để anh giải quyết. Anh chỉ cầu mong được sống với em những ngày còn lại của đời anh thôi.” Nàng nói rất thật lòng: “Ðiệp không thể làm như vậy được. Ðiệp sợ tạo ra ác nghiệp. Ác nghiệp sinh ác báo. Không biết quan niệm đó có phù hợp với giáo lý nhà Phật hay không; nhưng quan niệm đó, trong quá khứ, đã nhiều lần giúp Ðiệp gượng lại được bên nay bờ tội lỗi.” Chàng biện luận thật khéo: “Hai đứa mình có làm gì tội lỗi đâu. Em là người đến trong đời anh trước nhất. Em đã thiệt thòi hơn bốn mươi năm rồi. Bây giờ là lúc anh phải đền bù cho em những gì em đã mất. Không ai trách anh được, vì bổn phận và trách nhiệm của anh đã xong.” Nàng phân giải: “Không được đâu, anh. Anh chọn Ðiệp, anh sẽ mất các con; Ðiệp chọn anh, Ðiệp cũng sẽ mất các con. Chúng ta còn lại gì khi mà chúng ta mất từng ấy người thân?” Im lặng. Một lúc sau, chàng bảo: “Chính ý tưởng của em làm anh quý trọng và thương yêu em nhiều hơn. Từ ngày liên lạc lại được với em, qua những lần nói chuyện hoăc những lá thư, anh biết tâm hồn em rất cao thượng, vì vậy, những bài thơ anh sáng tác về em có sai đâu!”
Nói vòng vo một lúc, chợt Hoàng-Việt-Sơn nhớ đến chi tiết nhỏ của nhân vật Bảo-Trân, vội hỏi. Thanh-Ðiệp có một cố tật, nếu không ai hỏi, nàng không nói; nhưng nếu ai hỏi, nàng nói và khi nói thì nói thật. Do đó nàng đành phải cho Hoàng-Việt-Sơn biết là nàng đang trong thời kỳ chờ đợi kết quả thí nghiệm y tế, sau dấu hiệu nghi ngờ ở lần thí nghiệm trước. Giọng chàng thảng thốt: “Trời ơi! Tại sao những chuyện như vậy mà em không cho anh hay?” Nàng nói cho qua chuyện: “Ðã có gì đâu.” Lại im lặng. Rồi giọng chàng tha thiết: “Chưa bao giờ anh muốn được gặp em như lúc này. Anh xốn xang vô cùng, Ðiệp biết không? Mấy mươi năm qua anh đã không lo lắng được cho cuộc đời của em; bây giờ em trong tình trạng như vậy mà anh cũng không được cận kề săn sóc em. Em không thương yêu anh, đó là quyền của em; còn anh thương yêu em, tại sao em cứ tránh né?” Thanh-Ðiệp bùi ngùi: “Thôi anh ạ. Ðiệp cảm ơn anh nhưng tất cả đều quá muộn màng.” Chàng dứt khoát: “Anh sẽ qua thăm em.” Nàng chối từ: “Ðừng, anh!” Giọng chàng vẫn không lay chuyển: “Em không cho anh gặp em thì anh sẽ… thấy em.” Nàng thắc mắc: “Bằng cách nào?” Chàng cười có vẻ tự tin: “Bằng cách nào thì bằng, anh cũng phải… thấy em.” Nửa đùa nửa thật, nàng hỏi: “Anh sẽ thấy Ðiệp trong nhà thương, có phải không? Nếu đúng như vậy thì tội cho Ðiệp quá! Thôi, anh đừng nuôi ý định gặp Ðiệp nữa.” Chàng trở lại trạng thái bồn chồn: “Anh không hiểu được em. Và anh cũng không hiểu tại sao em dành cho anh hình phạt vô lý như thế này?” Nàng trấn an chàng mà cũng như để trấn an cho chính nàng: “Cho đến giờ phút này chưa bác sĩ nào xác định được bệnh trạng của Ðiệp mà anh lo làm chi.” Chàng phát âm với giọng chắc nịch: “Người ta bảo rằng ‘những điều mình biết sẽ không giết mình mà chính là những điều mình không biết, bởi vì mình tưởng tượng’ (7) đó, em biết không?” Nàng cố tình chuyển đề tài cho nên “chọc quê” chàng: “Sao anh đọc Reader’s Digest mà anh nhớ hay vậy?” Chàng cười: “Nói cái chi ra là nàng biết xuất xứ liền. Reader’s Digest vẫn gửi báo cho em đều chứ?” Thanh-Ðiệp vui: “Dạ. Cảm ơn anh.” Chàng dặn: “Anh đã gia hạn cho năm tới rồi. Em không cần điền phiếu cảm ơn gửi lại cho anh nữa, để thì giờ mà sáng tác.”
Nàng rất biết ơn chàng, vì lúc nào chàng cũng khuyến khích, nhắc nhở nàng viết. Hoàng-Việt-Sơn khuyên nàng, đã lỡ bỏ đàn bỏ hát lâu rồi thì thôi; còn viết thì, dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu nàng cũng phải vượt qua, đừng bao giờ bỏ. Chàng buộc nàng hứa.
Nói quanh co một lúc, Hoàng-Việt-Sơn chuyển lời thăm hỏi các con của Thanh-Ðiệp. Ðang vui thích nói về những bài thơ bằng Anh ngữ do con của nàng sáng tác mà chàng đã dịch ra Việt ngữ chợt chàng dừng lại, hỏi: “Ðiệp! Các con của em có biết chuyện của…hai đứa mình không?” Nàng la hoảng lên: “Chết! Anh nói như vậy là chết Ðiệp rồi! Có chuyện gì giữa anh và Ðiệp ngoài chuyện văn chương, anh em, thầy trò đâu mà anh gọi là chuyện hai đứa mình?” Giọng của chàng không được vui: “Thôi thì chuyện của anh. Chao ôi! Tưởng lâu lâu, lựa những lúc nàng sơ ý, mình tấn công, rứa mà nàng cũng phản công nhanh quá. Mà Ðiệp ơi! Anh nghĩ, em nên cho con em biết về anh.” Nếu chàng không bảo, nàng cũng sẽ nói với các con, vì nàng thường chia xẻ niềm vui, nỗi buồn với các con. Vả lại, nàng nghĩ, nàng đâu có làm điều chi sai trái mà nàng phải giấu các con. Thế nhưng nàng muốn tìm hiểu xem chàng đề nghị như vậy với mục đích gì: “Tại sao và để làm gì, thưa anh?” Chàng giải thích: “Ðể các con em hiểu anh và chấp nhận anh. Em cho các cháu biết rằng không bao giờ anh lùi bước. Anh sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách để đạt cho được ước muốn cuối cùng. Bất cứ hậu quả như thế nào anh cũng sẵn sàng chấp nhận.” Thanh-Ðiệp thối thoát: “Các cháu chấp nhận anh để làm gì? Khổ quá! Mới cách đây vài phút Ðiệp đã thưa với anh là anh đừng nên đề cập đến những điều như vậy nữa mà.” Hoàng-Việt-Sơn cười: “Không cho nói về chuyện đó nữa thì anh nói về một tin vui. Cách nay mấy hôm anh đã gửi bản thảo tập thơ sang nhờ Ngọc-Hoài-Phương, báo Hồn Việt, ấn hành để tặng em.” Nàng ngạc nhiên: “Sao anh không cho Ðiệp biết trước?”Chàng đáp tỉnh bơ: “Thơ của anh, anh ấn hành để tặng em, em chỉ có việc nhận thôi chứ em biết trước để làm gì?” Nói xong chàng cười khà khà, có vẻ thích chí lắm. Nàng đáp: “Dạ, đúng là như vậy. Nhưng nếu anh cho Ðiệp xem trước thì Ðiệp sẽ vui hơn. Bây giờ muộn rồi thì thôi.” Chàng đáp vội vàng: “Không, không trễ đâu. Anh sẽ gửi bản copy sang em cùng với mấy bài thơ vừa mới sáng tác, chưa kịp gửi đăng báo.” Thanh-Ðiệp lo lắng: “Ủa, như vậy là mấy bài thơ mới này sẽ không có trong tập thơ hay sao, thưa anh?” Chàng lại cười vang: “Anh sẽ gọi Ngọc-Hoài-Phương xem chàng ta có thể cho vào trước khi in hay không?”
Nhận được copy bản thảo, Thanh-Ðiệp thấy, ngoài những bài thơ mới, Hoàng-Việt-Sơn còn kèm theo cuốn kinh Bạch-Y Thần-Chú, với dòng chữ: “Thân mến tặng Thanh-Ðiệp chút linh thiêng để phòng thân lúc nguy biến”. Chàng cũng viết trong thư dặn mỗi ngày nàng nên trì chú niệm kinh thì mọi hoạn nạn đều qua. Nàng đọc mấy bài thơ mới. Bài Về Muộn có nhiều câu chàng trách nàng:
… Em vẫn vô tình như vạn thuở.
Có bao giờ thông cảm với anh đâu!
Em thắc mắc, hững hờ, xa lạ quá!
Anh ngây thơ mơ mãi mối tình đầu….

Thơ của Hoàng-Việt-Sơn không cầu kỳ, không trau chuốt, nhưng thơ của chàng gói ghém một tấm lòng. Trong bài Phong Cầm Năm Ấy tâm tư của chàng cũng vẫn còn vướng mắc vào mối tình đơn phương.
… Tơ đồng thuở ấy rồi im bặt,
Ðể một người xa lạnh nẻo về.
Hiu hắt phương trời hoa úa nhạt:
Tương tư Thanh-Ðiệp buồn trong mê…

Rồi chàng lại trách nàng:
… Dòng thơ cũ, cung đàn xưa réo rắt,
Làm tim Anh máu vỡ trào quặn thắt.
Nửa đời người sao duyên nợ còn đeo?
Em vô tư ngoảnh mặt chẳng buồn theo.
Tình da diết như ngại ngùng Ðưa Tiễn (8)
Em vô tình, tàn nhẫn cười không tiếng… (9)

Ðến một lúc nào đó, Hoàng-Việt-Sơn cũng cảm thấy trong lòng gợn lên chút dỗi hờn. Nhưng chỉ một thoáng sau, tình cảm của chàng lại lắng xuống, để quay về một tình yêu đằm thắm nhưng muộn màng.
… Ai Ðưa Tiễn để lòng ai thổn thức? (8)
Thôi, bến ơi! Bến nghỉ nhé, thuyền đi.
Dòng Cuồng Lưu không xóa được câu thề. (10)
Ngày trở lại ước mong về bến cũ… (11)

Mở copy của bản thảo tập thơ, Thanh-Ðiệp đọc Thay Lời Tựa. Nàng xúc động dạt dào rồi buồn đến tái tê khi đọc đoạn: “…Tôi đã bàng hoàng đến ngẩn ngơ và tim tôi đập những nhịp không đều trước khuôn mặt xinh đẹp, thùy mị và nghiêm trang cùng tiếng đàn phong cầm dìu dặt và giọng hát ngọt ngào của một thiếu nữ có mái tóc dài và đôi mắt màu hạt dẻ, rất buồn. Tôi chưa tìm được cơ hội làm quen với Nàng thì Nàng lẳng lặng theo thân phụ ra về. {…}Ðêm đó tôi không thể nào ngủ được vì hình ảnh Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi. Tôi thao thức, trằn trọc thâu đêm và bài thơ Tiếng Ðàn Ðêm Trung Thu ra đời… ” Hoàng-Việt-Sơn gợi lại trong hồn Thanh-Điệp một thời thơ ngây, một thời tươi đẹp mà nàng muốn quên đi để thấy đời bớt đắng cay, bớt bẽ bàng! Lật sang bìa sau, Thanh-Ðiệp thật sự hoảng sợ khi thấy, ngoài tựa đề những tác phẩm của chàng đã ấn hành ở quê nhà như Danh Từ Ðiện Tuyến, Người Em Miền Hỏa Tuyến, Ði Tìm Một Tâm Hồn Việt-Nam, v. v… Chàng còn liệt kê rõ ràng tên thật, tiểu sử, chức vụ và đơn vị sau cùng của chàng.
Khi Hoàng-Việt-Sơn điện thoại, Thanh-Ðiệp đề nghị chàng chỉ nên để bút hiệu Hoàng-Vũ-Bão, không nên đăng tên thật và phần tiểu sử. Chàng không đồng ý: “Tại sao em sợ? Tình cảm anh dành cho em là tình cảm tinh khiết, vượt lên trên mọi thứ tình yêu đời thường; do đó anh không sợ và anh chấp nhận bất cứ điều gì đến với anh.” Nàng không che giấu được lo âu: “Không phải Ðiệp sợ cho Ðiệp mà Ðiệp ngại cho anh. Ðiều gì tránh được, mình nên tránh. Anh đừng tự ái.” Chàng vẫn cương quyết: “Anh không tự ái. Bản tính anh không thích lén lút. Anh không biết sợ. Nếu đã sợ thì đừng làm.” Khi nào thấy chàng “gàn” quá nàng cũng chỉ biết lập lại một câu: “Anh đúng là Thủy-Quân Lục-Chiến!” Mỗi khi nghe nàng trách đùa bằng cách nhắc đến binh chủng mà chàng rất hãnh diện đã một thời phục vụ, sau khi tốt nghiệp bác-sĩ Quân-Y, chàng cười có vẻ tự đắc: “Khi Thủy-Quân Lục-Chiến tấn công là phải chiếm cho được mục tiêu, bất kể thiệt hại.”  Biết chàng bóng gió xa xôi, nàng đáp: “Ðiệp biết tinh thần Thủy-Quân Lục-Chiến là như vậy; nhưng nếu đưa Thủy-Quân Lục-Chiến ra tuyến đầu thì Thủy-Quân Lục-Chiến đành phải ở bên nay bờ Thạch-Hãn.”  Chàng cười: “Ðúng là Phu Nhân Một Thời Oanh Liệt. Chuyện nhà binh của người ta mà cũng rành. Chịu thua em!” rồi chàng hỏi ý kiến nàng về cái bìa.
Nhìn bìa sách với tựa đề Nửa Ðời Thương Ðau mà chữ “Th và Д được viết khác màu Thanh-Ðiệp cảm động. Hoàng-Việt-Sơn hỏi: “Ðố em biết ý nghĩa của mấy phụ âm Th và Ð mà anh cố viết khác đi?” Nàng làm như nàng giỏi lắm: “Có vậy mà anh cũng đố.” Chàng thách thức: “Giỏi thì nói rõ đi.”  Nàng đáp ngay: “Tên của Ðiệp chứ gì.” Chàng chợt thở dài: “Trời! Sao em vô tình quá vậy, Ðiệp?” Nàng không hiểu chàng muốn nói gì: “Ðiệp chịu thua. Anh nói đi.”  Chàng lại thở dài, giọng rất buồn, nói rõ từng chữ: “Nửa Ðời Thương Ðiệp đó, em biết không?” Tự dưng nàng muốn khóc mà khóc không được! Một lúc sau nàng trở lại vấn đề không nên in tên thật và tiểu sử của chàng. Hoàng-Việt-Sơn giận và gay gắt: “Anh tặng em tập thơ vì anh thương yêu, quý trọng em, muốn đem niềm vui đến cho em chứ anh không muốn đem sự lo âu, phiền phức đến cho em. Nếu em sợ đến như vậy thì thôi, anh không xuất bản tập thơ nữa. Anh gọi Ngọc-Hoài-Phương ngay.”
Những lần điện thoại sau đó Hoàng-Việt-Sơn tỏ ra rất quan ngại về vấn đề sức khỏe của Thanh-Ðiệp chứ chàng không đề cập đến tập thơ nữa. Nàng nghĩ có lẽ chàng còn giận nàng và cũng có thể chàng đã đình chỉ việc ấn hành tập thơ, như chàng đã nói. Nàng hơi buồn nhưng nàng không hỏi chàng mà nàng lại hỏi Ngọc-Hoài-Phương. Sau khi nghe Thanh-Ðiệp phân trần về vấn đề tên thật và tiểu sử của Hoàng-Việt-Sơn, Ngọc-Hoài-Phương cười: “Xong rồi. Tôi có cùng cảm nghĩ với chị cho nên tôi giải thích và ông ấy đã đồng ý chỉ để bút hiệu thôi.”

Khi Ngọc-Hoài-Phương in xong tập thơ “Nửa Ðời Thương Ðiệp” cũng là lúc nàng nhận được kết quả tốt đẹp về y tế của nàng. Nhân lúc gia đình vui mừng về kết quả y tế của nàng, Thanh-Ðiệp trao tập thơ, kể lại diễn tiến sự việc cho con và rể của nàng nghe.
Hôm sau, đọc xong tập thơ, “anh chàng” rể của nàng bảo: “Chu cha, bác này nặng tình với măng lắm đó chứ không phải như mấy độc giả trước kia đâu.”  Con gái của nàng cười cười nhìn nàng: “Nặng tình và hâm mộ là chuyện của độc giả. Măng làm sao đừng ‘get in trouble’ thì thôi.”  Thanh-Ðiệp nghĩ câu nói của cô con gái hàm ý một sự tin tưởng và cũng ẩn chứa một chút cảnh cáo.
Thanh-Ðiệp không hiểu Hoàng-Việt-Sơn nghĩ như thế nào, nhưng chàng có vẻ vui khi nàng thuật lại cho chàng câu chuyện giữa Mẹ con nàng. Biết tình trạng sức khỏe của Thanh-Ðiệp bình thường, Hoàng-Việt-Sơn càng vui hơn và chàng thúc đẩy nàng xuất bản tác phẩm kế tiếp. Trong tác phẩm này, chàng thích đoạn kết vì nàng nhắc đến ca khúc Chiều, phổ nhạc từ thơ của Hồ-Dzếnh mà chàng đã nghe vào một buổi chiều, tại phòng trực của quân-y-viện, sau khi anh Nguyễn-Bá-Liên báo cho chàng hay Thanh-Ðiệp đã lập gia đình.
Sau khi tác phẩm của Thanh-Ðiệp ra đời, Hoàng-Việt-Sơn viết một bài điểm sách gửi cho nàng, bảo nàng tùy nghi xử dụng.
Thanh-Ðiệp cho chàng biết nàng đang viết một tác phẩm khác. Chàng hỏi nàng viết về ai, viết về cái gì? Nàng đáp: “Dạ, viết về những vụng dại của tuổi thơ.”  Nửa đùa nửa thật, chàng hỏi: “Những vụng dại tuổi thơ đó có giống cái vụng dại của Cô Bé Tóc Dài làm điêu đứng anh chàng Quân-Y này không?” Thanh-Ðiệp im lặng, thầm nghĩ, những vụng dại tuổi thơ của nàng chỉ làm điêu đứng anh chàng Quân-Y này và Dũng – một chàng Quân-Y khác – nhưng lại đưa nàng vào kiếp sống âm thầm của loài ốc bên bến sông!

***
Ngày còn bé, Thanh-Ðiệp thường được thân phụ dạy rằng: “Trong địa hạt Văn Học Nghệ Thuật, nếu con thực hiện điều gì mà con cảm thấy điều đó không bằng hoặc không khá hơn điều mà con đã làm ngày hôm trước thì con đừng nên làm”. Vì vậy, từ sau khi bỏ đàn và bỏ hát để được yên thân, nàng không muốn xuất hiện trên sân khấu nữa.
Vậy mà, buổi họp mặt sơ ngộ mùa Hè năm 2003, Thanh-Ðiệp không nhớ tại sao nàng bị “lôi” lên sân khấu để làm phiền thính giác của quan khách mà nàng chỉ nhớ ánh nhìn dịu dàng, thiết tha, trìu mến của một người đàn ông ngồi bên góc phải, khi nàng hát ca khúc Tình Quê Hương của Đan-Thọ.
Trở về chỗ ngồi, Thanh-Ðiệp quên mất ánh mắt đã nhìn nàng ban nãy. Một lúc sau, trực giác bén nhạy cho nàng biết ánh mắt ấy vẫn không rời nàng. Thanh-Ðiệp quay nhanh về hướng ấy. Người đàn ông ấy không tỏ vẻ gì muốn né tránh ánh nhìn của nàng khi bất ngờ bị nàng bắt quả tang đang… nhìn trộm. Người đàn ông ấy rất điềm đạm, hơi mỉm cười, khẽ nghiêng đầu chào nàng. Nàng chào lại. Vừa khi đó bác sĩ Thuận bước về phía ông ấy, bắt tay ông ấy, ra vẻ rất mừng rỡ.
Vì chưa bao giờ thấy ảnh của Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Ðiệp không thể nhận diện được. Nhưng ánh mắt của người đàn ông ấy khiến nàng nhớ đến lời “hăm dọa” của chàng rồi nàng trở nên lúng túng, vụng về.
Thanh-Ðiệp ra về.

Buổi họp mặt hôm sau, vừa bước vào hội trường, Thanh-Ðiệp nhận ra ngay người đàn ông đã nhìn nàng tối hôm trước. Và ông ấy cũng nhìn nàng bằng ánh nhìn đằm thắm, chan chứa cảm tình. Thanh-Ðiệp tìm bác sĩ Thuận và hỏi xem có phải người ấy là Hoàng-Việt-Sơn hay không? Sau khi bác sĩ Thuận xác nhận, nàng hoàn toàn mất bình tĩnh.
Là một người mang dòng máu nghệ sĩ nhưng Thanh-Ðiệp lại có cá tính của một người cứng rắn và đầy tự chủ. Bất cứ vấn đề gì, khi nàng đã quyết định rồi thì không ai có thể lay chuyển nàng được. Và nàng đã quyết định không gặp Hoàng-Việt-Sơn thì nàng cũng nhất định sẽ không bao giờ gặp chàng. Thanh-Ðiệp vội vàng rời hội trường trước khi Hoàng-Việt-Sơn có cơ hội đến gặp nàng.
Trong đời, Thanh-Ðiệp đã có nhiều quyết định sai lầm. Nàng chịu đựng, âm thầm gặm nhấm những sai lầm của mình và nàng tự tha thứ cho nàng. Nhưng không có một quyết định thiếu khôn ngoan nào của nàng lại đeo đẳng, dằn vặt nàng như quyết định lánh mặt Hoàng-Việt-Sơn vào kỳ họp mặt năm 2003. Thanh-Ðiệp nghĩ nàng sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng!
Vài hôm sau, Hoàng-Việt-Sơn không điện thoại mà lại gửi tặng Thanh-Ðiệp phân đoạn đầu của bài thơ chàng mới sáng tác. Trong thư gửi kèm, chàng bảo chàng còn đang sáng tác tiếp, dài lắm, xong đoạn nào chàng sẽ gửi tặng nàng đoạn đó. Hoàng-Việt-Sơn không hề đề cập đến bất cứ chi tiết nào về việc chàng đã đến Houston tham dự ngày họp mặt Phượng Vỹ.
Vừa thấy tựa đề bài thơ Thanh-Ðiệp chợt se lòng vì hiểu rằng Hoàng-Việt-Sơn rất buồn về thái độ của nàng:

Thanh-Ðiệp Trường Hận
Lá gục đầu,
Sông sâu.
Những con thuyền không hướng.
Em mà chi. Thương nhớ mà chi.
Thanh-Ðiệp!
Anh thường có những ngày dài xa cách,
Những đêm buồn da diết nhớ tên em!
Em có nhớ thương?
Vòng hoa trắng mộ
Mộng chưa thắm,
Anh còn cay đắng,
Bởi mối tình tan vỡ một đêm nao!
Mà em hỡi! Giữa biển sầu thiên cổ,
Sao dửng dưng như gỗ đá vô tình?
Sao lạnh lùng và mãi mãi lặng thinh?
Em về đâu cho kịp chuyến tàu đêm?
Ôi chuyến tàu xưa, anh đứng đợi im lìm.
Tìm em mãi ga Nha-Trang heo hút.
Thanh-Ðiệp!
Sông chảy về đâu?
Suối chảy về đâu?
Ðôi bờ giạt ao bèo.
Như tình anh vẫn lạc loài câm lặng,
Giữa cuộc đời trơ trọi một mình anh.
Nước mắt buồn cứ đọng mãi đôi vành.
Nước mắt buồn cứ chảy mãi năm canh.
Mà năm tháng cứ phai dần kỷ niệm.
Thanh-Ðiệp!
Em đi về đâu? Em ở tận đâu?
Ðêm nay em có sầu thương nhớ?
Anh thấy cô đơn lạnh buốt đời!....

Hoàng-Việt-Sơn thường bảo chàng tha thứ cho Thanh-Ðiệp, vì ngày xưa nàng còn bé, ngây thơ vô tội; nhưng chàng không hiểu tại sao mỗi lần chàng hỏi Nguyễn-Bá-Liên về Thanh-Ðiệp thì Nguyễn-Bá-Liên cứ tìm cách nói sang chuyện khác. Vì vậy, chàng đành ôm “mối tình vô vọng” (12) để rồi “Ôi chuyến tàu xưa, anh đứng đợi im lìm. Tìm em mãi ga Nha-Trang heo hút.”
Ðây không phải là bài thơ đầu tiên Hoàng-Việt-Sơn hờn trách Thanh-Ðiệp. Nhưng đây là bài thơ đầu tiên chàng đề cập đến chữ “mộ” – Vòng hoa trắng mộ. Nhưng nàng vẫn vô tình, chỉ cảm thấy buồn vì ý thơ tự thán của chàng chứ nàng không linh cảm được điều gì cả. Thanh-Ðiệp chưa viết thư cảm ơn chàng về phân đoạn này vì nàng có ý chờ những phân đoạn kế tiếp; khi nào chàng hoàn tất trọn bài rồi nàng sẽ viết thư cảm ơn và xin lỗi chàng về hành động thiếu xã giao của nàng hôm Hội Ngộ.
Hoàng-Việt-Sơn thường bảo, viết thư hay nói điện thoại mình có thể cảm nhận được sự gần gủi với người mình giao tiếp hơn là e-mail; cho nên chàng không có địa chỉ e-mail. Vì vậy, Thanh-Ðiệp dự tính, khi nào Hoàng-Việt-Sơn điện thoại nàng sẽ xin lỗi chàng. Nhưng không bao giờ chàng gọi và chàng cũng chẳng gửi gì cho nàng nữa, kể cả những đoạn kế tiếp của bài thơ “Thanh-Ðiệp Trường Hận” mà chàng đã hứa.
Thanh-Ðiệp buồn vì nghĩ rằng Hoàng-Việt-Sơn đã hoàn toàn thất vọng khi thấy lại nàng sau hơn 40 năm không gặp! Nhưng nghĩ lại, nàng thấy luận cứ này không vững; bởi vì, nếu Hoàng-Việt-Sơn thật sự thất vọng vì nhân dáng hiện tại của nàng thì chàng đã không nhìn nàng bằng ánh nhìn trìu mến, thiết tha, dịu vợi; và chàng cũng đã không dệt được những vần thơ làm xót lòng người đọc như trong bài “Thanh-Ðiệp Trường Hận”. Càng suy nghĩ nàng càng thấy chỉ có một lý do là Hoàng-Việt-Sơn giận nàng và muốn quên nàng. Ðó cũng là điều dễ hiểu, bởi vì, sau ngần ấy thời gian giữ kín trong lòng hình bóng nàng và khoảng hơn bốn năm kiên nhẫn đeo đuổi nàng, nay chàng nhận ra sự phủ phàng từ trái tim gỗ đá của nàng thì chàng còn lưu luyến nàng để làm gì! Nhiều khi Thanh-Ðiệp hối hận, muốn điện thoại sang chàng; nhưng nàng ngại, vì chưa bao giờ nàng gọi chàng. Thanh-Ðiệp cũng muốn viết thư, nhưng rồi nàng nghĩ, thôi, nàng đã không yêu thương chàng thì hãy để “mối tình câm ủ dột” (13) này yên nghỉ. Ðôi khi nàng bình thản chấp nhận ý nghĩ này; nhiều khi nàng lại mong chàng gọi để nàng được ngõ lời xin lỗi.
Trong sự bồn chồn mong đợi của Thanh-Ðiêp, điện thoại của Hoàng-Việt-Sơn không đến mà một tin không bao giờ nàng ngờ thì lại đến từ Thúy-Minh. Thanh-Ðiệp xót xa đòi đoạn vì nghỉ rằng Hoàng-Việt-Sơn “ra đi” mang theo niềm giận hờn do nàng tạo nên! Nàng than thầm: “Chỉ có chút linh thiêng mà anh cũng tặng Ðiệp rồi thì còn gì để anh hộ thân lúc nguy biến!”
Hơn một năm qua, kể từ khi hay tin Hoàng-Việt-Sơn lìa đời, Thanh-Ðiệp không viết được. Nàng cũng không muốn gửi bài điểm sách do chàng viết về tập truyện của nàng đến báo nào cả. Nàng muốn giữ cho riêng nàng. Ngày xưa, khi Hoàng-Việt-Sơn đi hành quân thì: “Chiều hành quân cạnh ven rừng, Trong một thoáng anh mơ về Thanh-Ðiệp” (14). Ngày nay, trong chuyến đi cuối cùng này, Hoàng-Việt-Sơn mang theo tất cả nguồn cảm hứng, óc sáng tạo và niềm đam mê văn chương của nàng; chỉ để lại cho nàng những dằn vặt, ray rức và đau buồn. Rồi một hôm, nhớ đến lời đã hứa với Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Ðiệp quyết định viết trở lại. Bài đầu tiên khi trở lại với văn chương, chữ nghĩa, nàng xin được một lần viết về những kỷ niệm với Hoàng-Việt-Sơn – như một lời tạ lỗi.
Khi còn sinh thời Hoàng-Việt-Sơn tha thiết muốn được gặp nàng bao nhiêu thì giờ đây Thanh-Ðiệp cũng ước mong được viếng mộ phần của chàng bấy nhiêu.

***
Quanh nàng không một bóng người, không một tiếng động. Thanh-Ðiệp ngồi bệt trên khóm cỏ non, tay vuốt nhẹ theo từng nét chữ khắc T.T.P. – tên thật của Hoàng-Việt-Sơn – trên mộ bia. Tâm hồn nàng tê dại. Khối óc nàng trống rỗng. Bao nhiêu nước mắt mặn nồng nàng đã hoang phí suốt đoạn đường đời đã qua của nàng; bây giờ nàng chỉ cảm thấy cay cay ở mắt chứ nàng không còn giọt lệ nào nhỏ xuống cho “Một mối tình câm cứ lặng câm!” (15) Thanh-Ðiệp đến đây không một nén nhang, không một đóa hoa; vì nàng nghĩ, lúc Hoàng-Việt-Sơn còn sống nàng đã quá tệ với chàng thì nay chàng chết, những hình thức kia đâu thể nào làm cho chàng hiểu được những ray rức, ngậm ngùi, tiếc thương đang xâu xé tâm hồn nàng!
Trong thinh lặng bỗng dưng Thanh-Ðiệp tưởng như nàng có thể nghe được tiếng thì thầm:
…Bình minh dậy, ánh nắng hồng đỏ chói;
Chân trời xa, biển lặng, buồm nhấp nhô.
Thôi, chia tay, thuyền duỗi, bến dặn dò:
Ngày gặp gỡ? – Ðành tìm nhau kiếp khác! (16)

Thanh-Ðiệp thảng thốt nhìn quanh. Sự yên lặng lại bủa vây. Và, bất chợt, Thanh-Ðiệp nhớ đến câu nói của một người mù mà nàng đã đọc trong một tác phẩm nào đó. “Tôi nghe trong im lặng, một im lặng hoàn toàn!”(J’entends dans le silence, un silence parfait). (17)

ĐIỆP-MỸ-LINH
http://www.diepmylinh.com

2.-Thành ngữ Việt-Nam: Ðạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa sợ.
7.-Theo Reader’s Digest.
4-5-8.-Tựa đề những tác phẩm của Ðiệp-Mỹ-Linh.
1-3-4-5-6-9-10-11-12-13-14-15-16.-Trích từ Nửa Ðời Thương Ðau của HoangVũ-Bão.
17.-Không nhớ tên tác phẩm và tác giả.

 

Đăng ngày 22 tháng 07.2016